Đó là khẳng định của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Nguyễn Đình Khang tại Lễ phát động Tháng Công nhân - Tháng hành động An toàn, vệ sinh lao động năm 2023.
Đặc biệt, từ năm 2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận về việc lấy tháng 5 hàng năm là Tháng Công nhân với mục tiêu chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp quan tâm xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Từ đó đến nay, các hoạt động trong Tháng Công nhân đã có bước phát triển mạnh mẽ với nhiều đổi mới, sáng tạo trong nội dung và cách thức tổ chức thực hiện, tạo được hiệu ứng và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Đồng thời, từ năm 2017, Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động cũng được triển khai vào tháng 5 nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động; hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chăm sóc sức khỏe người lao động.
Kể từ đó, tháng 5 - Tháng Công nhân - Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động được coi là tháng cao điểm tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động về mọi mặt, cả về vật chất, tinh thần và sức khỏe.
Qua 4 năm phối hợp triển khai phát động giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tháng Công nhân - Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động đã thực sự trở thành ngày hội của công nhân, lao động cả nước với nhiều hoạt động cụ thể hướng về người lao động, nhận được sự quan tâm sâu sắc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người sử dụng lao động, sự hưởng ứng của đông đảo đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.
Thông tin tại lễ phát động Tháng Công nhân - Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2023, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết: Năm 2022, với chủ đề “Tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, an toàn, thích ứng” và “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, các cấp Công đoàn, ngành Lao động -Thương binh và Xã hội, các cấp, các ngành, doanh nghiệp đã có nhiều hoạt động chăm lo thiết thực, toàn diện cả về vật chất, tinh thần, môi trường làm việc an toàn, đảm bảo sức khỏe cho đoàn viên, công nhân lao động.
Cụ thể, đã có 10.203 cuộc đối thoại được tổ chức, 11.131 hoạt động “Cảm ơn thành viên được triển khai, hàng ngàn lượt công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn được thăm hỏi, hỗ trợ tiếp sức... Các hội nghị tập huấn chuyên đề về An toàn, vệ sinh lao động, hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi, thi tay nghề được tổ chức rộng khắp trên toàn quốc; phong trào thi đua “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến hợp lý hóa dây chuyển sản xuất được triển khai hưởng ứng sâu rộng đã góp phần cải thiện điều kiện làm việc, sức khỏe người lao động, giảm bớt tần suất tai nạn lao động và tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng trong các ngành có nguy cơ cao…
Tiếp nối các hoạt động ý nghĩa trên, năm 2023, với chủ đề “Kết nối công nhân - Xây dựng tổ chức”, bên cạnh các hoạt động thường xuyên, trong Tháng Công nhân 2023, các cấp Công đoàn tập trung triển khai 5 nhóm hoạt động trọng tâm, gồm: Tổ chức chương trình “Đối thoại tháng 5”; tổ chức Tháng cao điểm phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở; tổ chức chương trình “Mỗi Công đoàn cơ sở, một lợi ích đoàn viên”; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động; gắn hoạt động Tháng Công nhân với tổ chức Đại hội Công đoàn các cấp; tổ chức chiến dịch truyền thông về 137 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2023)./.
Hôm nay (1/5) là Ngày Quốc tế Lao động. Cách đây 137 năm (1/5/1886-1/5/2023), ngày 1/5 đã trở thành ngày lễ tại nhiều quốc gia trên thế giới nhằm tôn vinh, biểu dương tinh thần đoàn kết của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh chung vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Tại Việt Nam, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 đã trở thành ngày lễ Quốc gia với Sắc lệnh số 22c do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành vào ngày 18/2/1946 và Sắc lệnh số 56 ngày 29/4/1946 quy định cụ thể, chi tiết hơn về việc hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5.
Sau khi Sắc lệnh được ban hành, ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, lễ mít tinh trọng thể kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động.
Từ đây, giá trị của Ngày Quốc tế Lao động 1/5 không chỉ dừng lại ở tinh thần đoàn kết đấu tranh chống áp bức mà đã được nâng tầm với ý nghĩa sâu xa hơn như lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước đồng bào toàn quốc và anh chị em lao động: “Đối với chúng ta nó là một ngày để tỏ cho thế giới biết rằng ngày này chẳng những là ngày Tết lao động, mà nó còn là ngày toàn dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”.