Vasep kiến nghị xem xét bãi bỏ hạn ngạch với tôm xuất khẩu vào Hàn Quốc

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) vừa gửi công văn đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành kiến nghị nhiều giải pháp nhằm củng cố, gia tăng năng lực cạnh tranh ngành hàng. Đáng chú ý là xem xét bãi bỏ hạn ngạch với tôm Việt xuất sang Hàn Quốc.
tom-xuat-khau-04-1707271821.jpg
Việt Nam đang có nhiều nỗ lực "tăng tốc" xuất khẩu sản phẩm thủy sản năm 2024. (Ảnh minh họa)

Xem xét bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc

Theo Vasep, năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 343 triệu USD, giảm 27% so với năm trước đó. Lạm phát cao, tiền mất giá, lãi suất tăng, người dân chi tiêu tiết kiệm, tồn kho nhiều là những nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này giảm trong năm 2023.

Bên cạnh đó, một rào cản lớn khiến tôm Việt Nam khó cạnh tranh tại Hàn Quốc là do vướng phải vấn đề hạn ngạch nhập khẩu tôm vào Hàn Quốc theo Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA).

Cụ thể, VKFTA được ký kết và có hiệu lực từ cuối năm 2015 là một công cụ quan trọng giúp hai nước thực hiện chiến lược phát triển thương mại kinh tế. Hiệp định có tác động tích cực tới các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Hàn Quốc; trong đó có thủy sản.

Trong giai đoạn từ 2015 đến 2023, sau khi Hiệp định VKFTA có hiệu lực, các sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang Hàn Quốc đều ghi nhận tăng trưởng. Theo đó, tôm tăng 37%, mực và bạch tuộc tăng 51%, các loại khác (trừ cá ngừ, cá tra) tăng 4%. Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ và nhuyễn thể khác tăng mạnh 3 con số nhưng những sản phẩm này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.

Tuy nhiên, theo VKFTA, Hàn Quốc chỉ miễn thuế nhập khẩu tôm Việt Nam trong hạn ngạch 15.000 tấn/năm. Trong khi đó, lượng tôm xuất khẩu của Việt Nam vào Hàn Quốc đã vượt xa hạn ngạch miễn thuế. Các nhà nhập khẩu Hàn Quốc đang phải chịu chi phí không nhỏ để có hạn ngạch nhập khẩu, lên tới 14-16% giá trị lô hàng khiến giá thành tôm Việt Nam tại Hàn Quốc bị đội lên cao, khó cạnh tranh với tôm các quốc gia khác.

tom-xuat-khau-02-1707271849.jpg
Một rào cản lớn khiến tôm Việt Nam khó cạnh tranh tại Hàn Quốc là do vướng phải vấn đề hạn ngạch nhập khẩu tôm. (Ảnh minh họa)

Trong bối cảnh xuất khẩu thuỷ sản đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, Vasep kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại VKFTA tại kỳ rà soát trong năm 2024.

Các tổ chức quốc tế dự báo nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Hàn Quốc ngày càng tăng, trong khi nguồn cung hạn chế đã khiến nước này trở thành nhà nhập khẩu thủy sản ròng. Xu hướng tiêu dùng thủy sản ở Hàn Quốc có sự thay đổi theo xu hướng giảm chi tiêu của người tiêu dùng lại là cơ hội để thủy sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu những sản phẩm thủy sản có mức giá phù hợp.

Nhiều thách thức trong xuất khẩu tôm trong năm 2024

Đà phục hồi cho xuất khẩu tôm Việt Nam đang đối diện nhiều khó khăn ngay từ đầu năm 2024.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), để xuất khẩu tôm năm 2024 đạt khoảng 4 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2023 đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành hàng tôm Việt cần nỗ lực hơn nữa để tiếp tục vượt khó trên chặng đường phục hồi.

Với thị trường nhập khẩu lớn nhất tôm Việt Nam là Mỹ, từ tháng 7/2023 thị trường này này liên tục tăng trưởng 2 con số. Điều đó đã giúp cả năm 2023, xuất khẩu tôm sang Mỹ rút đà giảm còn 15% so với năm 2022 và đạt 682 triệu USD.

Cùng với đó, số liệu nhập khẩu tôm của Mỹ trong tháng 11/2023 cũng ghi nhận tháng thứ 5 tăng trưởng liên tiếp. Tồn kho giảm, các chỉ số của nền kinh tế Mỹ đang tốt dần, nhu cầu cao hơn phục vụ đợt cuối năm. Lạm phát tại Mỹ đã giảm khá mạnh trong năm 2023.

tom-xuat-khau-01-1707271891.jpg
Đà phục hồi cho xuất khẩu tôm Việt Nam đang đối diện nhiều khó khăn ngay từ đầu năm 2024. (Ảnh minh họa)

Trước tình hình trên, VASEP nhận định xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng nhẹ trong năm 2024 khi nhu cầu ăn uống cải thiện, lạm phát hạ nhiệt, doanh số bán lẻ tại Mỹ phục hồi.

Tuy nhiên, thị trường này cũng còn tiềm ẩn nhiều khó khăn khi mới đây Hiệp hội Chế biến tôm Mỹ nộp đơn đề nghị điều tra thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu; trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, căng thẳng Biển Đỏ đầu năm 2024, khiến giá cước vận tải biển đi Mỹ tăng cũng là một chướng ngại cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Mỹ thời gian này.

Trong các thị trường lớn nhập khẩu tôm Việt Nam giảm mạnh nhất là EU với mức giảm 39% trong năm 2023 và đạt 421 triệu USD.

Các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường EU gồm Ecuador và Ấn Độ. Trên thị trường này, tôm Việt Nam vẫn giữ được ưu thế ở phân khúc cao cấp.

Sức cạnh tranh của tôm các đối thủ cũng đang mạnh dần lên. Nhưng điều ngành thủy sản lo lắng là vẫn còn những bất ổn về kinh tế và chính trị nên thị trường EU sẽ chưa thể phục hồi trong phần lớn năm 2024. Dự kiến nhu cầu sẽ giữ ở mức ổn định.

Trong bối cảnh lạm phát làm sức mua giảm mạnh ở các thị trường phương Tây, căng thẳng Biển Đỏ khiến giá cước vận tải biển đi Mỹ và châu Âu tăng vọt, xuất khẩu sang Hàn Quốc có lợi thế vị trí địa lý gần, nhu cầu tiêu thụ ổn định và là điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong thời gian tới.

Để có thể "tăng tốc" xuất khẩu sản phẩm thủy sản, Vasep khuyến nghị doanh nghiệp chú trọng vào chất lượng, hương vị sản phẩm; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn trong khâu chế biến, lưu thông; nắm bắt và hiểu rõ nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng…/.

Bình Châu