Đây là một trong những nội dung được đề cập tại Hội chợ Xuất khẩu Đồ gỗ và Nội thất TP.HCM - Hawa Expo 2024 diễn ra từ ngày 6-9/3.
Những thách thức đòi hỏi ngành gỗ chuyển mình
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị, năm 2023, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản toàn quốc đạt khoảng 14,5 tỷ USD, giảm 15,4% so với năm 2022.
"Đây là mức giảm cao nhất trong 20 năm qua của ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu chưa từng gặp. Sự sụt giảm đó có nhiều nguyên nhân khác nhau, cả chủ quan và khách quan. Việc sụt giảm đó không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu mà còn ảnh hưởng đến cả chuỗi cung nguyên liệu của người trồng rừng trong năm qua”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nói.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhận định, bước sang năm 2024 mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng triển vọng của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản đã có những tín hiệu tích cực. Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt gần 2,4 tỷ USD.
Bộ NN-PTNT dự kiến, năm 2024 giá trị gỗ và lâm sản xuất khẩu đạt trên 15 tỷ USD. “Để đạt được mục tiêu này, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm và phải có những giải pháp căn cơ trong việc đổi mới công nghệ, cung ứng nguyên liệu và đặc biệt là vấn đề thị trường.
Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, ngành gỗ luôn được đánh giá là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, đóng vai trò chủ lực của nền kinh tế trong sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy thương mại, xuất khẩu.
Ngành gỗ giai đoạn vừa qua, đã có những chuyển biến vượt bậc trong sản xuất - xuất khẩu, ngày càng có sức cạnh tranh, vị thế quan trọng trên thị trường thế giới, luôn duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định.
Các doanh nghiệp trong ngành đã chú trọng vào nâng cao chất lượng sản phẩm, kết hợp đẩy mạnh gia tăng giá trị thương hiệu, qua đó duy trì và chiếm lĩnh một số thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản… Đồng thời, mở rộng sự hiện diện của thương hiệu và sản phẩm gỗ và lâm sản của Việt Nam đến 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
“Trong bối cảnh thị trường khó khăn, thách thức, cơ hội đan xen, bên cạnh những yếu tố liên quan đến thị trường, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đang là xu hướng lớn trên thế giới, cũng là yêu cầu bắt buộc đối với sự phát triển ngành gỗ trong giai đoạn mới”, Thứ trưởng Thắng nói và cho biết thêm, trước bối cảnh đó, Bộ Công thương, đã và đang tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT và các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ ngành gỗ và lâm sản đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm lớn cả trong và ngoài nước.
Đồng thời, quan tâm các hoạt động nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và sản phẩm gỗ Việt Nam, để có thể đáp ứng các tiêu chuẩn xanh cả về môi trường và xã hội, bắt nhịp với xu thế sản xuất, tiêu dùng bền vững của thế giới.
"Trong nhiều năm qua, các hiệp hội ngành gỗ trung ương và địa phương đã thể hiện vai trò cầu nối, chủ động triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ triển lãm, giao thương xúc tiến thương mại tại các thị trường nước ngoài tương đối hiệu quả, đáp ứng nhu cầu kết nối của cộng đồng doanh nghiệp”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhận định.
Hội chợ sản phẩm gỗ Việt khơi thông "dòng chảy" thị trường
Việc tăng cường xuất khẩu gỗ trong năm 2024 đang được ngành gỗ tìm nhiều giải pháp, trong đó có việc tổ chức hội chợ sản phẩm gỗ Việt để giới thiệu nhiều hơn nữa sản phẩm gỗ Việt tới các bạn hàng quốc tế.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), năm 2023 kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam chỉ đạt hơn 13,5 tỷ USD (giảm 15,5% so với năm 2022), đã không đạt mục tiêu đề ra cho cả năm. Nguyên nhân, nhu cầu về sản phẩm gỗ giảm mạnh, các thị trường xuất khẩu lớn ngày càng có các quy định chặt chẽ hơn về tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm gỗ (hạn chế phát thải formaldehyde trong đồ nội thất gia đình; sản phẩm gỗ phải không gây mất rừng, yêu cầu mức phát thải carbon thấp…).
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hawa, đã cho biết một tín hiệu đáng mừng trong tháng đầu tiên của năm 2024, đó là giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng tới 72,5% so với cùng kỳ năm 2023. Kế hoạch năm nay là ngành sẽ đem về 16 tỷ USD xuất khẩu gỗ (tăng 20% so với năm 2023). Con số này đang được kỳ vọng đạt được khi đến nay đã có những doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu phục hồi 90%. Có doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 5/2024. Tuy nhiên, những yêu cầu từ khách hàng ngày càng khắt khe hơn về các tiêu chuẩn, mẫu mã phải liên tục thay đổi, giá cả phải cạnh tranh hơn.
“Tiêu dùng hàng hóa tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang đón những tín hiệu tốt dần lên, tạo cú hích dây chuyền tới đơn hàng xuất khẩu, trong đó có nhóm hàng đồ gỗ”, ông Khanh kỳ vọng.
Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng, đa dạng nguồn khách hàng, Hội Mỹ Nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) cho biết Hội chợ quốc tế cho đồ gỗ và nội thất - HawaExpo 2024 diễn ra từ ngày 06 – 09/3/2024, quy tụ hơn 500 đơn vị triển lãm, trong đó hơn 80% là các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam, dự kiến 25.000 lượt khách tham.
Năm 2024, ban tổ chức đã mở rộng quy mô gấp 3 lần so với 2023, quy tụ hơn 500 doanh nghiệp triển lãm trong đó hơn 80% là các doanh nghiệp sản xuất trong nước, 20% còn lại bao gồm các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ & thủ công mỹ nghệ nổi bật ở khu vực Asean, đơn vị thiết kế, cung ứng nguyên vật liệu, phụ kiện, dịch vụ phụ trợ trong và ngoài nước.
Chia sẻ từ việc kết nối được với khách hàng thông qua hội chợ, một doanh nghiệp về gỗ nội thất cho biết sau hội chợ HawaExpo 2023 công ty đã ký kết được đơn hàng từ một khách hàng lớn ở Nhật Bản, cũng như nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng cho các sản phẩm gỗ do nhà thiết kế Việt Nam thực hiện…
Cũng theo ông Khanh cho biết, năm nay, bên cạnh các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, HawaExpo chứng kiến sự quan tâm đáng kể ở nhóm khách từ khu vực Trung Đông, Úc, Canada và Ấn Độ. Đặc biệt, hội chợ sẽ có thêm nhóm doanh nghiệp thiết kế nội thất, doanh nghiệp chuyên thầu công trình, doanh nghiệp sản xuất - cung ứng nội thất cho lĩnh vực dịch vụ thương mại, doanh nghiệp phát triển giải pháp công nghệ chuyên gia tăng trải nghiệm sống.
Theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), thị trường hiện đã có một số dấu hiệu hồi phục, tuy nhiên năm 2024 vẫn tiềm ẩn một số rủi ro cho ngành. Về tổng thể, ngành Gỗ có tăng trưởng nhưng chậm và không nhiều, khoảng 10-12% so với những quý cuối năm 2023. Vì vậy, giải pháp trọng tâm nhất trong năm 2024 đó là tạo ra hình ảnh ngành Gỗ Việt Nam là phát triển bền vững, dựa trên yếu tố cơ bản đó là sử dụng gỗ có chứng chỉ và sản phẩm giảm phát thải./.