Ngành đường sắt cơ bản khắc phục được các vị trí hư hỏng để thông tàu trên toàn tuyến

Ngành đường sắt đã cơ bản khắc phục được các vị trí hư hỏng để thông tàu trên toàn tuyến Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh.
khan-truong-khac-phuc-duong-ray-1635326857.jpg
Tàu đã có thể đi qua đoạn này nhưng phải giảm tốc. Ảnh: Sỹ Thắng - TTXVN

Trao đổi với phóng viên TTXVN ngày 27/10, ông Phạm Minh Khôi, Trưởng Ban Ban Quản lý kết cấu hạ tầng  đường sắt (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) cho biết, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài từ ngày 22/10 tại khu vực miền Trung, tuyến Hà Nội - Tp. Hồ Chí Minh đã bị sạt lở, hư hỏng tại nhiều vị trí, dẫn đến thiệt hại lớn về hạ tầng, vận tải. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ngành đường sắt đã cơ bản khắc phục được các vị trí hư hỏng để thông tàu trên toàn tuyến Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh.

Ông Phạm Minh Khôi cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin mưa lớn kéo dài khu vực các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã cứ cán bộ phối hợp với các đơn vị bảo trì đường sắt chủ động trực, chốt tại các vị trí nền xung yếu, vùng trũng thấp để kịp thời có giải pháp ứng cứu.

Trong đợt mưa bão vừa qua, ngành đường sắt đã phải huy động 600m3 đá học, 390m3 đá dăm, 200 rọ thép, 200 thanh tà vẹt gỗ… và hàng trăm nhân lực tham gia để kịp thời khắc phục bước đầu các điểm hư hỏng do mưa bão gây ra, đảm bảo an toàn chạy tàu.

Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, từ ngày 22/10 đến trước thời điểm thông tuyến đường sắt ngày 24/10 vừa qua, ngành đường sắt đã phải dừng một số đoàn tàu khách, tàu hàng tại các ga dọc đường (Nông Sơn, Trà Kiện, An Mỹ, Tam Kỳ, Diêm Phổ, Núi Thành, Trị Bình, Bình Sơn, Đại Lộc, Quảng Ngãi và ga Hòa Vinh Tây).

Các đơn vị vận tải trong khu vực đã phối hợp chuyển tải hành khách trên các đoàn tàu SE8, SE22, SE7.

Hiện việc tổ chức chạy tàu khách, tàu hàng phục vụ khách hàng trở lại bình thường. Tuy nhiên, tốc độ chạy tàu chậm khi qua khu vực vừa được phục hồi và nhiều đoạn tuyến vẫn đang bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang chỉ đạo các đơn vị tiếp tục điều tra các vị trí kết cấu hạ tầng bị hư hỏng sau khi nước rút, đồng thời khẩn trương xây dựng phương án để tổ chức cứu chữa khắc phục hậu quả đảm bảo an toàn chạy tàu…

Về các thiệt hại do mua lũ gây ra, ông Phạm Minh Khôi cho hay, về cầu đường: từ lúc 5 h50 ngày 23/10, đoạn Km895+800 -Km896+200 do nước dâng cao ngập đỉnh ray trên 100mm phải giảm tốc độ chạy tàu xuống 15km/h; đến 8h14 cùng ngày nước ngập đỉnh ray trên 150mm, ngành đường sắt phải phong tỏa khu gian Núi Thành – Trị Bình. Tuy nhiên, đến 11h35 nước rút còn ngập đỉnh ray trên 50mm, sau khi kiểm tra trạng thái công trình, ngành đường sắt đã cho tàu chạy lại bình thường nhưng chỉ được chạy với tốc độ 5km/h khi qua đoạn đường ray trên.

Đặc biệt, lúc 22h28 ngày 23/10, đoạn Km899+050-Km899+700, nước dâng cao, chảy xiết làm trôi nền đá ba lát và toàn bộ nền đường đắp một đoạn dài 15m, sâu 3,5m (Km 899+410-Km 899+425).

Bên cạnh đó, cũng trong ngành 23/10, các đoạn Km877+590-Km877+630; Km 889+862, đoạn Km 897+200-Km- Km897+500 cũng bị nước ngập ray phải giảm tốc độ chạy tàu, có thời điểm phải phong tỏa dừng tàu…

Trong khi đó, ngày 24/10, đoạn Km899+050-Km899+410 nước chảy xiết, dâng cao làm sạt lở taluy nền đường và trôi nền đá ba lát; đoạn Km 932+200-Km932+245, mái taluy phía trái nền đường bị sạt lở, ngành đường sắt phải chỉ đạo các đơn vị thi công gia cố tạm để đảm bảo an toàn chạy tàu.

Ngoài ra, tại Km 970+690, Km970+715, Km986+200, Km996+120 trên tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh, đất đá trên mái taluy dương tràn xuống lấp rãnh dọc đường sắt gây ứ đọng nước, ngành đường sắt đã kịp thời khai thông long rãnh đảm bảo an toàn chạy tàu…/.