Ngành dịch vụ Italy tiếp tục hứng chịu thiệt hại nặng nề do dịch COVID-19

Ngành du lịch Italy (I-ta-li-a) đang đối mặt một cuộc khủng hoảng chưa từng có, kéo theo khoảng 200.000 người lao động có thể bị mất việc làm.

Sau đợt khủng hoảng kéo dài trong năm 2020 với tổng thiệt hại xấp xỉ 63 tỷ euro (khoảng 71,17 tỷ USD), dấu hiệu phục hồi kinh tế trong năm 2021 đã mang lại hy vọng rằng ngành du lịch Italy đã vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tuy nhiên, như phát biểu của Chủ tịch Liên đoàn khách sạn Italy Bernabò Bocca, "tình hình rõ ràng đang tồi tệ hơn” và đặc biệt, nhiều thành phố nghệ thuật nổi tiếng của Italy đang phải chứng kiến 30% số khách sạn bị đóng cửa. Chủ tịch Liên đoàn du lịch Italy, bà Marina Lalli, cho biết khoảng 8 triệu lượt đặt chỗ đã bị báo hủy chỉ trong vòng ba tuần qua.

vna-potal-covid-19-chau-au-va-moi-de-doa-tu-bien-the-delta-stand-1640783499.jpeg
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 tại Milan, Italy. Ảnh TTXVN

Chủ tịch Hiệp hội nghỉ dưỡng “MIO Italia” Paolo Bianchini cho biết các quán bar, nhà hàng là nơi cảm nhận rõ nỗi lo sợ do "cuộc khủng hoảng đen” đang gây ra. Ông Bianchini cho nói: “Giáng sinh trở nên ảm đạm và điện thoại liên tục đổ chuông chỉ để báo hủy đặt chỗ".

Trước tình hình đó, các hiệp hội trong lĩnh vực dịch vụ của Italy khẩn thiết yêu cầu chính phủ can thiệp, bao gồm việc bổ sung nguồn trợ cấp thất nghiệp và cắt giảm thuế. Đại diện nhiều chính đảng trong quốc hội cũng đã lên tiếng, xem đó là một vấn đề cấp bách.

Hạ nghị sỹ Debora Serracchiani, thành viên đảng Dân chủ (PD), nhấn mạnh du lịch là lĩnh vực thiết yếu và đang bị ảnh hưởng nặng nề, vì thế “chúng tôi sẽ đề nghị chính phủ phải can thiệp". Theo chiều hướng đó, Hạ nghị sỹ Stefano Fassina thuộc đảng Tự do và Công bằng (LeU) đề xuất phương án cho phép nới trần thâm hụt ngân sách quốc gia so với mục tiêu trong năm 2022 để hỗ trợ các lĩnh vực bị thiệt hại./.