Italy nỗ lực ứng phó với giá năng lượng tăng

Ngày 30/11, Thủ tướng Italy (I-ta-li-a) Mario Draghi đã tái khẳng định rằng chính phủ của ông sẵn sàng xử lý tác động của việc tăng giá năng lượng đối với các hộ gia đình và các công ty theo cách công bằng nhất có thể.

Phát biểu tại Rome, Thủ tướng cho biết Italy đã sẵn sàng can thiệp một lần nữa để giảm tác động của việc tăng chi phí năng lượng, nhất là đối với các hộ gia đình nghèo hơn. Ông Draghi nói: “Chúng tôi đã dành 1,2 tỷ euro (1,4 tỷ USD) vào tháng Sáu và hơn 3 tỷ euro vào tháng 9/2021. Chúng tôi hiện đang thực hiện các bước trong ngân sách và sẵn sàng tiếp tục làm như vậy, đặc biệt chú ý đến những người dễ bị tổn thương nhất". 

Theo ông Draghi, Italy cần nắm bắt các cơ hội trong quá trình chuyển đổi sinh thái để giảm bớt sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng như khí đốt, đồng thời thực hiện các biện pháp để giảm thiểu tác động của sự thay đổi đó đối với các công dân có thu nhập thấp hơn. Thủ tướng Draghi nói: “Chúng ta cần tham gia vào các phân khúc thị trường sáng tạo nhất, chẳng hạn như sản xuất pin, và tạo ra những sản phẩm mới có thể đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và người tiêu dùng”.

0122-251757-1600x1067-energy-sources-1638319200.jpg
Ảnh minh họa.

Cùng ngày, Bộ trưởng Phát triển kinh tế Italy Giancarlo Giorgetti đã cảnh báo về nguy cơ mất điện trên toàn châu Âu, khi nhấn mạnh "với hệ thống cung cấp năng lượng hiện tại, không thể loại trừ tình trạng mất điện" ở châu Âu.

Italy đã yêu cầu Ủy ban châu Âu nghiên cứu các phản ứng trong trung hạn đối với xu hướng tăng giá điện trên toàn châu lục, ví dụ như thông qua các biện pháp tập trung vào hoạt động kinh doanh lưu trữ năng lượng nhằm hạn chế biến động giá cả. Các Bộ trưởng năng lượng của Liên minh châu Âu đã gặp nhau ngày 30/11 tại Brussels để thảo luận về cuộc khủng hoảng năng lượng.

Giá điện tại châu Âu đã phá kỷ lục, trong khi khu vực này đang trở lại là trung tâm của đại dịch COVID-19. Nền kinh tế có thể bị ảnh hưởng khi các quy định phòng chống dịch được siết chặt ở một số quốc gia, ngay khi ngân sách hộ gia đình đang bị co lại bởi lạm phát. Bộ trưởng Bộ chuyển đổi sinh thái Italy Roberto Cingolani bày tỏ hy vọng việc kích hoạt nhanh đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 nối Đức với Nga sẽ giúp giảm chi phí. Ông Cingolani nói: “Cho đến tháng 3/2022, chúng tôi đều không có kế hoạch chắc chắn. Tại châu Âu, tất cả chúng tôi đều có chung quan điểm rằng kế hoạch đối phó với bất ngờ này sẽ kết thúc vào tháng 3/2022"./.