“Ngân hàng Nhà nước hút tiền về không đồng nghĩa với đảo chiều chính sách tiền tệ”

Chuyên gia cho rằng, động thái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước là một cách thức nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống và là hoạt động thường thấy từ các ngân hàng trung ương, và không đồng nghĩa với việc thực hiện đảo chiều chính sách tiền tệ.
cashglobal-1566556147480483664531-1695702184.jpeg
Ngân hàng Nhà nước đã hút gần 30 nghìn tỷ đồng khỏi hệ thống trong 3 ngày qua.

Ghi nhận trong phiên giao dịch hôm qua (25/9), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục chào bán tín phiếu kỳ hạn 28 ngày. Kết quả có 4/13 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng là 10.000 tỷ đồng, lãi suất 0,49% - thấp hơn phiên trước đó (0,5%) và phiên 21/9 (0,69%).

Trước đó, liên tiếp trong 2 phiên 21/9 và 22/9, Nhà điều hành cũng đã chào thầu thành công gần 20.000 tỷ đồng tín phiếu 28 ngày và không phát sinh nghiệp vụ trên thị trường mở; qua đó rút khỏi hệ thống ngân hàng lượng tiền tương ứng.

Screen Shot 2023-09-26 at 11.04.26 AM.png
Nguồn: Bloomberg, SBV, SSI tổng hợp

Như vậy, trong 3 phiên giao dịch gần nhất, NHNN đã hút ròng gần 30.000 tỷ ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu với mức lãi suất thấp hơn tương đối nhiều so với lãi suất kỳ hạn 1 tháng trên thị trường liên ngân hàng và cho thấy thanh khoản hệ thống đang khá dư thừa.

Screen Shot 2023-09-26 at 11.04.18 AM.png
Nguồn: Bloomberg, SBV, SSI tổng hợp

Về diễn biến lãi suất trên thị trường 2, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm vẫn dao động trong biên độ hẹp (0,15- 0,18%) và chênh lệch với lãi suất USD duy trì ở mức -500 điểm cơ bản. Áp lực về tỷ giá tiếp tục xuất hiện trong bối cảnh đồng USD mạnh lên toàn cầu.

Trong bản tin thị trường tiền tệ, trái phiếu mới công bố, các chuyên gia phân tích tại SSI Research cho rằng, động thái phát hành tín phiếu của NHNN có thể được xem như là một cách thức nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống và là hoạt động thường thấy từ các ngân hàng trung ương, và không đồng nghĩa với việc NHNN đã thực hiện đảo chiều chính sách tiền tệ.

“Trong bối cảnh tăng trưởng GDP vẫn đang kỳ vọng chưa có sự bứt phá và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát (thấp hơn lạm phát mục tiêu của Chính phủ), chúng tôi không đánh giá cao khả năng NHNN sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ - mà sẽ nghiêng nhiều về việc thận trọng duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng có kiểm soát như hiện tại”, các chuyên gia nhấn mạnh.

Theo SSI Research, mục đích của NHNN là nhằm hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn và lượng hút cũng không quá nhiều nếu so sánh với giai đoạn nửa cuối năm 2022 nhằm không gây ra căng thẳng thanh khoản trên thị trường 2 và hạn chế tác động lên mặt bằng lãi suất trên thị trường 1.

Bên cạnh đó, cần phải chú ý rằng nghiệp vụ phát hành tín phiếu kì hạn là nghiệp vụ hút VND tại thời điểm hiện tại và sẽ bơm lại sau khi đáo hạn.

Đồng quan điểm, các chuyên gia tại Maybank Investment Bank (MSVN) cho rằng, việc cân nhắc hút tiền trong hệ thống hiện nay của NHNN là một biện pháp để giảm áp lực tỷ giá, đưa tỷ giá về mức mục tiêu (+/-3% cho năm nay).

Trong tháng 8-9, tỷ giá đã tăng nhanh và có dấu hiệu vượt khỏi ngưỡng mục tiêu (trên 3%). Vì vậy, để kiểm soát dần tỷ giá, NHNN đang có những động thái can thiệp cụ thể. Theo MSVN, trong các công cụ để can thiệp ổn định tỷ giá, NHNN sẽ có các công cụ gồm điều tiết cung tiền, bao gồm hút/bơm tiền VND, hoặc bán/mua USD từ dự trữ ngoại hối và tăng lãi suất điều hành.

Hiện tại, NHNN đang sử dụng việc hút tiền VND về qua việc bán tín phiếu. Theo MSVN, đây là bước đi có tính toán kỹ từ việc quan sát thanh khoản của hệ thống đang thừa và là bước đi khôn ngoan, chưa cần phải sử dụng đến công cụ bán ngoại hối như năm ngoái. Lưu ý là năm 2022, NHNN đã bán 25 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối. Việc bán sớm quá khiến NHNN giảm khả năng can thiệp linh hoạt về sau.

Qua quan sát, MSVN tin rằng, NHNN đang tính toán lượng hút tiền qua tín phiếu một cách thận trọng để đảm bảo lượng vừa đủ sao cho đạt các mục tiêu bao gồm tăng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lên, từ đó giảm bớt áp lực cho tỷ giá; không gây gián đoạn thanh khoản cho toàn bộ nền kinh tế; và đảm bảo lãi suất thực của nền kinh tế (lãi suất cho vay) sẽ tiếp tục xu hướng giảm.

Vì thế, MSVN cho rằng thị trường cần làm quen với động thái này của NHNN. NHNN sẽ tiếp tục quan sát trạng thái thanh khoản, lãi suất trúng thầu tín phiếu và lãi suất liên ngân hàng để tiếp tục hút/bơm tiền. MSVN nhấn mạnh lại quan điểm rằng NHNN đang làm thận trọng và có đong đếm. Khi nào thấy lãi suất liên ngân hàng đã nhích lên, góp phần giúp tỷ giá hạ nhiệt, NHNN sẽ dừng lại việc hút tiền.

Theo tìm hiểu, MSVN tin rằng, NHNN sẽ đảm bảo không gây gián đoạn thanh khoản cho nền kinh tế chung và làm đảo ngược xu hướng lãi suất cho vay hiện nay. Nếu nhu cầu tín dụng tăng, và hệ thống ngân hàng cần thêm thanh khoản, chắc chắn NHNN sẽ có biện pháp bơm thanh khoản ngược lại.

Trần Thúy