Nếu hồi ấy tôi tỉnh táo hơn

Cựu chiến binh - Thiếu tá Nguyễn Văn Đinh (sinh năm 1940, ở xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) cho biết: Hồi ông làm Đại đội trưởng Đại đội 3 pháo cao xạ (thuộc Tiểu đoàn 24, Sư đoàn 7, Miền Đông Nam Bộ), chiến đấu liên miên với quân Mỹ, bên cạnh ông luôn luôn có ông Lại Văn Hiểu.
ongnguyenvandinh-1658554952.jpg
Ông Nguyễn Văn Đinh (bên trái) kể kỷ niệm về chiến sĩ liên lạc Lại Văn Hiểu

Ông Hiểu sinh năm 1945. Quê xã Đông Hải, nay là xã Đông Trà, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Chiến sĩ liên lạc Đại đội luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chiến đấu rất gan dạ, dũng cảm. Có tình yêu thương đồng đội. Nhận thấy Hiểu có tố chất để phát triển thành cán bộ, ông Đinh và cấp ủy chi bộ vận động ông Hiểu vào Đảng. Nhưng ông Hiểu dứt khoát chối từ: “Các anh cứ để em làm người lính bình thường. Em không thể là đảng viên được”. Ông Đinh kiên trì thuyết phục. Hiểu vẫn khăng khăng: “Em không xứng đáng”…

Một lần hành quân tại tỉnh Congpong Cham (Campuchia), Hiểu vác súng đi trước Đại đội trưởng Đinh vài bước chân. Bất ngờ, một viên đạn bắn tỉa bay thẳng đến. Thân cây súng trên vai ông Hiểu chặn viên đạn, tóe lửa khét lẹt. Trong trận "tao ngộ chiến" sau đó, Hiểu bị thương nặng, phải về phía sau để điều trị. Năm 1973, cấp trên giải quyết chế độ xuất ngũ cho ông…

Từ khi kết thúc chiến tranh chống Mỹ trở đi, ông Đinh qua nhiều cấp chức chỉ huy. Hết tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam, sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế, lại được trên điều ra giữ phên giậu Tổ quốc tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) và một số nơi khác thuộc địa bàn Quân khu 2.

Cuối năm 1986. Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, Thiếu tá, Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Đinh, thương binh (hạng 4/4), nghỉ hưu. Củng cố gia đình tạm ổn thì tuổi tác cũng đã cao. Nhìn 3 tấm huân chương chiến công (1 hạng Ba năm 1972. 1 hạng Nhì năm 1973. 1 hạng Nhất trong bảo vệ biên giới phía Bắc), ông Đinh khôn nguôi nhớ đồng đội. Đầu tiên, ông quyết về Thái Bình thăm ông Hiểu.

Sau những "tay bắt mặt mừng", Ông Đinh hỏi bạn: - Cậu là người lính tốt cực kỳ. Là chiến sĩ liên lạc dũng cảm. Vậy tại sao khi ở chiến trường, Chi ủy đại đội vận động cậu vào Đảng, cậu lại không nghe? Ông Hiểu trả lời: - Đảng viên là phải gương mẫu. Phải sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Bản thân em tự thấy hoàn thành nhiệm vụ chưa thật tốt.

- Nhưng tôi có thấy điều đó đâu?

- Anh không biết được! Đã có những lúc em hoang mang dao động. Nhưng em kín đáo gồng mình vượt qua để không ảnh hưởng đến nhiệm vụ. Không ảnh hưởng đến anh và đồng đội!".

Ông Đinh nhìn vào mắt bạn, nói trầm trầm nhưng hơi gay gắt: "Có những lúc hoang mang dao động. Kín đáo gồng mình vượt qua để không ảnh hưởng đến nhiệm vụ. Không ảnh hưởng đến đồng đội!... Chất Đảng đấy chứ còn đâu! (ngừng giây lát) Giá như hồi đó tôi gần gũi cậu hơn nữa, hiểu về cậu sâu sắc hơn nữa, thì nhất định Đại đội 3 đã có thêm một đảng viên, một cán bộ xuất sắc!”./.

Phạm Xưởng