Năng cao năng lực về sở hữu trí tuệ và lựa chọn công nghệ thích hợp cho doanh nghiệp

Nhằm nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ và kỹ năng sử dụng công cụ Sở hữu trí tuệ (SHTT) phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam đã tổ chức lớp đào tạo, tập huấn về “Sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh,…) và phương thức lựa chọn công nghệ thích hợp với năng lực tiếp nhận của doanh nghiệp”.
untitled1234-1695363648.jpg
Toàn cảnh lớp tập huấn.

Với chức năng nhiệm vụ hỗ trợ cho các nữ khoa học và doanh nghiệp thương mại hóa sản phẩm, ngày 21/9/2023, Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức lớp đào tạo, tập huấn về “Sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh,…) và phương thức lựa chọn công nghệ thích hợp với năng lực tiếp nhận của doanh nghiệp” với mục đích nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ và kỹ năng sử dụng công cụ Sở hữu trí tuệ (SHTT) phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, nhà khoa học khởi nghiệp từ kết quả nghiên cứu khoa học.

Đây là một trong những hoạt động triển khai nhiệm vụ “Nâng cao nhận thức, năng lực sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) do Cục Sở hữu trí tuệ quản lý.

Phát biểu tại lớp đào tạo, tập huấn, Bà Lê Thị Khánh Vân, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp, Hội Nữ trí thức Việt Nam nhấn mạnh: Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa và vai trò vô cùng quan trọng đối với chủ thể quyền SHTT, người tiêu dùng, chủ thể sản xuất, kinh doanh. Bảo hộ quyền SHTT là nghĩa vụ bắt buộc và là điều kiện tiên quyết đối với các quốc gia là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới và với những quốc gia muốn trở thành thành viên của Tổ chức này. Nhiều nước, đặc biệt là các nước phát triển, đã coi việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một điều kiện không thể thiếu để thiết lập mối quan hệ thương mại. Bên cạnh đó, bảo vệ quyền SHTT còn góp phần trong việc thúc đẩy hoạt động thương mại lành mạnh trên phạm vi toàn cầu.

untitled123-1695363648.jpg
Bà Lê Thị Khánh Vân, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp, Hội Nữ trí thức Việt Nam phát biểu.

Tại lớp đào tạo, tập huấn các học viên sẽ được nghe các chia sẻ về cách tìm kiếm thông tin KH&CN; Phương thức lựa chọn công nghệ thích hợp với năng lực tiếp nhận của doanh nghiệp; hướng dẫn tra cứu thông tin về SHTT; cách thức đăng ký bảo hộ quyền SHTT đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp.

Theo các chuyên gia, tài sản trí tuệ của một doanh nghiệp thường gồm 3 phần: tiền vốn, tài sản hữu hình (nhà xưởng, trang thiết bị, …), tài sản vô hình. Tài sản vô hình chủ yếu là tài sản trí tuệ, uy tín, danh tiếng của doanh nghiệp. Thể hiện của tài sản trí tuệ như: thương hiệu /nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, các giải pháp kỹ thuật và công nghệ tiềm ẩn bên trong sản phẩm. Tài sản trí tuệ được xem là thước đo khả năng tồn tại, phát triển và hiệu quả hoạt động trong tương lai của doanh nghiệp. Trong xu thế phát triển và hội nhâp kinh tế như hiện nay, doanh nghiệp khi tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh đều liên quan đến quyền SHTT, đây được xem như là một tài sản lớn, hữu ích. Đặc biệt là quyền SHTT liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp, nó có ý nghĩa ngày càng lớn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa của mỗi tổ chức, đơn vị sản xuất kinh doanh.

Lớp Tập huấn thu hút được hơn 70 học viên bao gồm các nhà khoa học khởi nghiệp từ kết quả nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Tại đây các học viên tham gia đã đặt nhiều câu hỏi rất thực tiễn trong quá trình viết sáng chế, đăng ký bảo hộ SHTT và làm thế nào để thương mại hóa tài sản trí tuệ thành công. Các học viên hy vọng sẽ có nhiều lớp đào tạo về sở hữu trí tuệ hơn nữa trong thời gian tới.