Nâng cao năng lực ứng phó sa mạc hóa và hạn hán để bảo vệ sinh thái, sử dụng đất đai bền vững

FAO đang triển khai một cách tiếp cận toàn diện, tập trung vào công nghệ hiện đại, quản lý nước, và nông nghiệp tái tạo. Thông qua đó, tăng cường năng lực sản xuất lương thực và bảo vệ sinh thái, cải thiện chất lượng đất và nước, đảm bảo an ninh lương thực cho Việt Nam, và thúc đẩy sự thịnh vượng của cộng đồng nông thôn.
su-dung-dat-dai-ben-vung-3-1718498391.jpg
Theo số liệu thống kê năm 2022, hiện nay, khoảng 40% diện tích đất trên thế giới đang bị suy thoái, gây tổn thất kinh tế lên đến 43.000 tỷ USD toàn cầu. (Ảnh minh họa)

Cần hành động ngay để bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai bền vững

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, việc bảo vệ và phục hồi các vùng đất bị sa mạc hóa, suy thoái đất, giảm thiểu tác hại của hạn hán là nhiệm vụ quan trọng. Ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý đại diện FAO tại Việt Nam cho biết, để giải quyết thách thức đang gây ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn tại Việt Nam, FAO đang tích cực hợp tác với các đối tác quốc gia và các bên liên quan tại Việt Nam để nâng cao quản lý bền vững tài nguyên đất và nước.

FAO đang triển khai một cách tiếp cận toàn diện, tập trung vào công nghệ hiện đại, quản lý nước, và nông nghiệp tái tạo. Thông qua đó, tăng cường năng lực sản xuất lương thực và bảo vệ sinh thái, cải thiện chất lượng đất và nước, đảm bảo an ninh lương thực cho Việt Nam, và thúc đẩy sự thịnh vượng của cộng đồng nông thôn.

Ngoài ra, FAO còn hợp tác với Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) và các cộng đồng nông thôn để triển khai sáng kiến nâng cao sức chống chịu của cộng đồng trước tác động của hạn hán. Các dự án này bao gồm dự báo, hành động sớm và cảnh báo tại các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và Gia Lai.

“Chúng tôi cũng đóng góp vào các giải pháp tổng thể về đất, nước và năng lượng, hỗ trợ kỹ thuật và thể chế để quản lý tài nguyên đất và nước hiệu quả hơn khi đối mặt với biến đổi khí hậu. Cần hành động ngay hôm nay để bảo vệ môi trường, thúc đẩy các giải pháp bền vững và sáng tạo trong sử dụng đất đai. Sự tham gia của chính quyền, cộng đồng và các tổ chức xã hội là yếu tố then chốt để đạt được những thành tựu quan trọng trong cuộc chiến chống xói mòn và hạn hán”, ông Hà cho hay.

su-dung-dat-dai-ben-vung-1-1718498446.jpg
Ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý đại diện FAO tại Việt Nam cho biết, FAO đang tích cực hợp tác với các đối tác quốc gia và các bên liên quan tại Việt Nam để nâng cao quản lý bền vững tài nguyên đất và nước.

Ông Dương Văn Dũng, chuyên viên Cục Trồng trọt, chia sẻ về tình trạng sức khỏe đất trước tác động của sa mạc hóa. Theo đó, việc quản lý đất nông nghiệp đang đối mặt với một số thách thức như ô nhiễm, dân số tăng, biến đổi khi hậu… gây hậu quả nghiêm trọng đến năng suất và hiệu quả cây trồng. Việt Nam đã ban hành Luật Đất đai, Luật Môi trường và Luật Trồng trọt nhưng vẫn còn một số lỗ hổng trong quản lý thực tế.

Theo số liệu thống kê năm 2022, hiện nay, khoảng 40% diện tích đất trên thế giới đang bị suy thoái, gây tổn thất kinh tế lên đến 43.000 tỷ USD toàn cầu. Tại Việt Nam, diện tích đất nông nghiệp khoảng 28 triệu ha, trong đó có 1,14 triệu ha đất bị suy thoái nặng và 3 triệu ha đất bị suy thoái nhẹ.

Theo ông Dũng, đất phân bố trên các vùng sinh thái với các dạng địa hình, cơ cấu cây trồng khác nhau nên chất lượng thay đổi theo nhiều hướng khác nhau. Diện tích đất nông nghiệp trên các vùng đất dốc có nguy cơ suy thoái nhanh song chưa có dự án lớn điều tra chất lượng đất phục vụ sản xuất một cách định kỳ, có hệ thống.

Việc quản lý và cải thiện chất lượng đất đòi hỏi những giải pháp toàn diện như nâng cao hiệu quả quản lý, áp dụng công nghệ mới, và nâng cao nhận thức của người dân. Điều này bao gồm cả việc đầu tư vào hệ thống thủy lợi, duy trì độ phì nhiêu của đất, và áp dụng các biện pháp nông nghiệp bền vững.

Tăng cường năng lực và mở rộng quy mô triển khai hành động sớm

Ông Trần Quang Đại, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong những năm gần đây, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở Việt Nam đã trải qua ba đợt nghiêm trọng. Đợt đầu tiên diễn ra vào năm 2015 - 2016, đợt thứ hai vào năm 2019 - 2020, và đợt thứ ba vào năm 2023 - 2024.

Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đã theo dõi và tính toán các yếu tố hạn hán tổng hợp để triển khai hành động sớm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực và mở rộng quy mô triển khai hành động sớm cùng với việc kết nối với hệ thống bảo trợ xã hội” phối hợp với tổ chức FAO.

Dự án đã xác định các địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gồm Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau và Kiên Giang, với Cà Mau chịu tác động nặng nề nhất. Tại đây, sụt lún và sạt lở xảy ra tại 730 vị trí với tổng chiều dài 19km, thiếu nước sinh hoạt ở 2.620 hộ gia đình, 3.000ha nông sản bị ảnh hưởng và nguy cơ cháy rừng ở 4.500ha. Dự án đã cung cấp hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng, mỗi hộ nhận được từ 2-6 triệu đồng tùy theo số lượng nhân khẩu.

su-dung-dat-dai-ben-vung-2-1718498478.jpg
Bảo vệ và phục hồi các vùng đất bị sa mạc hóa, suy thoái đất, giảm thiểu tác hại của hạn hán là nhiệm vụ quan trọng. (Ảnh minh họa)

“Việc cấp phát tiền mặt giúp người dân chủ động ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn, đồng thời nâng cao nhận thức về sử dụng nước tiết kiệm. Đánh giá sau khi cấp phát cho thấy, phần lớn các hộ gia đình đã sử dụng tiền để mua thực phẩm, nước uống và các nhu yếu phẩm khác, giúp họ duy trì cuộc sống cơ bản trong thời kỳ khó khăn”, ông Đại nêu một trong những giải pháp ứng phó quan trọng.

Tuy nhiên, việc triển khai cũng gặp một số khó khăn như thiếu sự phối hợp thông suốt giữa các bên liên quan, cần cải thiện trong việc truyền thông và tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị dự án. Kinh nghiệm từ đợt triển khai này sẽ được rút ra để cải thiện trong tương lai, đảm bảo hiệu quả và mở rộng quy mô của các hành động sớm, giúp giảm thiểu rủi ro và tác động tiêu cực từ thiên tai./.

Trọng Bình