Trong 12 con giáp Hổ được xuất hiện ở vị trí thứ 3, sau con Chuột và Trâu. Cứ mỗi một vòng quay của 60 hoa giáp con hổ được xuất hiện 5 lần với 5 vị trí khác nhau, bao gồm các năm: Giáp Dần, Bính Dần, Canh Dần, Nhâm Dần, Mậu Dần. Năm 2022 là Nhâm Dần thuộc cung Khôn theo Bát quái là hành Kim.
Do vậy năm mới Nhâm Dần sẽ có bản tính của Kim là sự êm đềm, ít biến động (cụ thể là Kim Bạch Kim, tức vàng pha bạc). Kim Bạch Kim là dạng kim loại đã qua quá trình luyện kim, chiết tách để trở thành kim loại nguyên chất. Bởi vậy nó hội tụ cao nhất các thuộc tính của kim loại, tinh khiết vô cùng
Xưa nay cọp vẫn được coi là một ác thú. Nó hung hãn nhất trong 12 con giáp. Trong 12 con thú, có lẽ cọp hội đủ các đặc chất: dũng mãnh, can trường, hiên ngang, dám tấn công cả những con thú to khỏe hơn nó. Nhờ những đặc điểm ấy mà cọp là một trong những loài trở thành biểu tượng của sự hùng cường và sức mạnh vô song, vì thế nó được con người thần thánh hóa, không riêng ở nước ta mà cả nhiều nước khác cũng đưa cọp dự phần vào đời sống xã hội, văn hóa, và nghệ thuật.
Người xưa đã từng đưa hình ảnh cọp vào tượng và phù điêu. Tượng và phù điêu cọp bằng đá đã có từ thời nhà Trần, Lê, nổi tiếng ở các chùa, lăng tẩm, như Chùa Đại Bi (Hoài Đức, Hà Tây), và đặc biệt là Cọp Đá ở Lăng Trần Thủ Độ, Vũ Thư, Thái Bình.
Đây là một tác phẩm điều khắc đẹp trong nền nghệ thuật cổ Việt Nam: Con cọp ở tư thế nằm, dáng vẻ ung dung, hai chân trước sải dài, hai chân sau thu gọn trong bụng, đầu ngẩng cao, đôi mắt lim dim, hai tai dỏng lên như đón nghe một tiếng động nào đó vọng về từ chốn xa xăm.
Khối đá không to như con cọp thực ngoài đời, nhưng nghệ thuật cổ đã khắc dựng một hình tượng có sức lay động tình cảm người xem. Đứng trước tác phẩm, trong khung cảnh của công trình tưởng niệm người có công tạo dựng nhà Trần, giữ gìn sơn hà, xã tắc trên mảnh đất quê hương Việt Nam, ta thấy bùng lên chất sử thi bi hùng. Người tạc tượng đã thổi hồn vào đá, ban cho nó một sức sống tinh thần của một thời liệt oanh, của một con người trí dũng, toàn tâm, toàn ý, vì dân, vì nước.
Cọp trong điêu khắc cổ Việt Nam thường là ‘cọp vồ mồi,’ ‘cọp ngắm trăng, ‘cọp và rồng,’ để diễn tả sức mạnh, ý chí, và khai thác chất thơ trong cái oai của chúa sơn lâm. Người ta không dùng ‘cương’ để biểu hiện sức mạnh, mà dùng ‘nhu’ để biểu hiện ‘chất hùng,’ ‘chất thép.’
"Quê hương" của loài Hổ từ phương Bắc, sau hàng ngàn năm di cư xuống phía Nam theo 2 đường chính qua cao nguyên Tây Tạng và qua Miến Điện tới Indonesia, ngày nay hổ có mặt ở hầu khắp các nước thuộc châu Á như Trung Quốc, Miến Điện, Ấn Độ, Singapore, Việt Nam...
Hổ là loài mãnh thú ăn thịt và rất bẵm ăn, kể cả trâu rừng, bò tót, gấu, hươu, nai cho tới rùa, ếch, nhái, cào cào... hổ đều xơi tất. Một con hổ trưởng thành có chiều dài cơ thể từ 1,8m đến 2,8m và nặng tới 300kg, hổ sống khoảng 30 năm và có lẽ vì thế loài mãng thú này còn có tên "Ông Ba mươi"(?).
Hổ có thể kêu được nhiều giọng: Khi động đực, hổ gầm vang xa gọi bạn đến giao phối. Khi kêu tiếng đơn "poc, poc" như tiếng nai để dụ con mồi. Khi giận dữ kêu hừ hừ hoặc há miệng nhe nanh khạc gió...Mùa ghép đôi thường là vào cuối đông và đầu mùa xuân, hổ mẹ có chửa khoảng 100 ngày, mỗi lứa đẻ không nhiều, chỉ 2 đến 4 con, giống hổ ít con cũng bởi chúng sinh sản thưa, khoảng 3 đến 4 năm mới đẻ một lứa, hổ con sống với hổ mẹ khoảng 2 đến 3 năm là có thể tự kiếm sống một mình. Loài hổ có khả năng bơi lội tốt, có khi bơi xa cả chục km, leo trèo kém và bản tính hay hồ nghi sợ hãi tiếng động lạ.
Việt Nam có Hổ Đông Dương là loài quý hiếm và đã được liệt vào sách đỏ, tức là có nguy cơ tuyệt chủng. Hổ là một loài thú lớn, ở Việt Nam Hổ đã đi vào tiềm thức của dân gian, trong thế giới tâm linh hình ảnh của Hổ khá đậm nét. Hổ có rất nhiều tên nào là Ông Hổ, Ông Ba mươi, Ông Cọp, Ông Hùm, Ông Hạm và con Hổ trong âm lịch được gọi là Dần.
Khi nói về sự nghiệp truyền đời, người con giỏi không kém gì người cha thì dân gian ví “ Hổ phụ sinh Hổ tử”, bàn về người anh hùng, người ta gọi vị đó là Hổ tướng - làm phù điêu cho lệnh của tướng soái hiệu lực nhất người ta đặt ra Hổ phù. Những nơi nguy hiểm chết người thì được dân gian gọi là “hang hùm”, miệng nói còn trêu vào những thủ lĩnh có quyền sinh, quyền sát mà không sợ thì được ví là dám "vuốt râu hùm’’.
Hoặc đụng chạm vào nơi mà không ai dám thì gọi người ấy đã ăn “gan hùm”…Ngược lại những người trước đó rất dũng mãnh nhưng do gặp hoàn cảnh đặc biệt họ bị khuất phục, dân gian có câu “Hùm thiêng khi đã sa cơ cùng hèn”. Hay khi đã bị thất thế thì họ thường được gọi là "Hổ đồng bằng", bởi Hổ đồng bằng là Hổ trong chuồng, không dọa được ai.
Cảnh tỉnh những ai chủ quan trong cuộc chiến, tha cho những kẻ địch đáng gờm, mà không lường hết hậu quả sau này thì người ta nói là việc “Thả Hổ về rừng”. Hay bàn về sự nhanh nhẹn, dứt khoát mạnh mẽ một công việc của ai đó “Ngạ Hổ đắc thực”.
Hổ đói vồ mồi, để so sánh sức khoẻ và trí tuệ của ai đó người ta ví người đó là "Hàng Long Phục Hổ". Nhưng đặc biệt hơn cả mà không có một con vật nào sao chép được sự uy dũng của Hổ, đó là “Hổ xú hùng tâm tại” tức con Hổ về già xấu xí nằm yên một chỗ nhưng hùng tâm của Hổ vẫn còn, chẳng một con vật nào dám qua mặt.
Đây là ý dân gian muốn ca ngợi những vị anh hùng tuy tuổi đã cao, nhưng khí phách hào khí vẫn không bị mất đi, vì thế chẳng một ai dám xem thường... Những câu chuyện về hổ thì có nhiều vô kể, có nói mãi cũng chẳng hết, có dịp chúng ta sẽ tiếp tục nói sau./.