Ngành nông nghiệp tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng 3%

Năm 2022 là năm vô cùng khó khăn đối với ngành nông nghiệp nước ta do biến đổi khí hậu, biến động lớn của thị trường, biến chuyển của xu hướng tiêu dùng ngày càng yêu cầu cao hơn, tuy nhiên ngành nông nghiệp đã vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trong năm qua, toàn ngành đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức như thiên tai, dịch bệnh, thị trường toàn cầu bị đứt gãy chuỗi cung ứng, giá vật tư đầu vào tăng cao để phục hồi và phát triển toàn diện, đạt được nhiều thành công mới.

Ngành đã đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra; nhiều chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. Đồng thời, từng bước chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và thu nhập cho nông dân.

Điều này được thể hiện rõ qua tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,36%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 53,22 tỷ USD, tăng 9,3%, trong đó thặng dư thương mại 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2022. Bên cạnh đó, có 73,06% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và 255 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%, từng bước nâng cao chất lượng rừng,...

untitled-2-1673860026.jpg
Ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả ấn tượng trong năm 2022. (Ảnh minh họa)

Đáng chú ý, trong năm 2022, công tác mở cửa thị trường có nhiều đổi mới, cách làm sáng tạo; thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản tiếp tục phát triển. Thị trường trong nước được mở rộng thông qua phát triển các kênh tiêu thụ, gia tăng thương mại điện tử; kịp thời giải quyết các vướng mắc, áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo để thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục trên 53,22 tỷ USD, trong đó, có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 8 mặt hàng có kim ngạch trên 2 tỷ USD, 7 mặt hàng trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo, cao su, cà phê).

Bên cạnh đó, việc tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp với thị trường, sản xuất hàng hóa lớn. Trong năm 2022, đã xây dựng được 2.510 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn kiểm soát (tăng 866 chuỗi so với năm 2021); nhiều mô hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi được triển khai nhân rộng.

Nhiều sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng khoa học công nghệ cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng đến chế biến như: tôm, cá tra, sản phẩm gỗ….Nhiều nhà máy chế biến công suất lớn với công nghệ hiện đại đã đi vào hoạt động và đang phát huy hiệu quả. Đồng thời, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP" được tập trung thực hiện kết hợp tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống gắn với ứng dụng khoa học công nghệ tạo sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp, truy xuất nguồn gốc; lũy kế đến hết năm 2022 phân hạng và công nhận 8.689 sản phẩm OCOP, tăng gần 3.700 sản phẩm so với năm 2021,...

Bên cạnh đó, với chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong năm 2022, tăng cả về số lượng và chất lượng số xã, đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Lũy kế hết năm 2022, có 6.009/8.225 xã (73,06%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 937 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 110 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 255 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới; có 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 5 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Chia sẻ về kết quả này, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, những kết quả trên có được nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đồng hành của các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương đã giúp kết nối thương mại nông sản trong và ngoài nước, cùng với tinh thần vượt khó của các Hiệp hội ngành hàng, bà con nông dân…đã giúp ngành nông nghiệp đạt được nhiều thành công trong năm qua.

Bước vào năm 2023, dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: Áp lực lạm phát và chi phí sản xuất tăng mạnh; biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn; sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng mới; đặc biệt là tác động từ xung đột Nga - Ukraine...

Mặc dù vậy, ngành NN&PTNT vẫn đặt mục tiêu phát triển với các chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản là 54 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 78%; ít nhất 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42%, nâng cao chất lượng rừng; Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn 57%; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm 80%.

Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu đề ra, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, toàn ngành nông nghiệp, nông thôn tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn... Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường để gia tăng xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thế hệ mới cho hàng nông sản Việt Nam.

Bộ NN&PTNT sẽ nhanh chóng cụ thể hoá những quyết sách quan trọng như Nghị quyết về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, với tầm nhìn dài hạn, tiếp cận xu thế của thế giới, kết nối không gian phát triển.

Bên cạnh nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và tăng trưởng xuất khẩu, các công việc chính xoay quanh việc xác định chỉ dấu thị trường để điều chỉnh sản xuất, định hướng quy hoạch các vùng nguyên liệu phù hợp, gắn với chứng nhận mã vùng trồng, vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó là “thay đổi cách tiếp cận, tăng thêm nhiều giá trị”.

Trước thực trạng tốc độ tăng trưởng đang có dấu hiệu chậm lại, quy mô, sản lượng nhiều ngành hàng dần chạm ngưỡng, càng cần phải tìm kiếm cơ hội mới, không gian phát triển mới. Hiện, đã có nhiều địa phương mạnh dạn áp dụng mô hình đa canh, xen canh, luân canh, đa tầng, đa tán, đa giá trị, hướng tới nền nông nghiệp xanh, sinh thái, bền vững.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, để hạn chế rủi ro thị trường xuất khẩu khi gặp tình huống bất thường, thị trường nội địa với 100 triệu người tiêu dùng cần được quan tâm đúng mức. Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” cần được lan toả thường xuyên, liên tục, trở thành tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân cần quan tâm đầu tư các dòng sản phẩm chinh phục nhu cầu người tiêu dùng, tự tin khẳng định niềm tin về chất lượng, sức cạnh tranh của hàng Việt.

Đông Nghi