Năm 2023: Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Mỹ có thể tiếp tục vượt mốc 100 tỷ USD

Mỹ là một thị trường xuất khẩu không hề dễ dàng khi có nhiều quy định và thủ tục phức tạp và ngặt nghèo, tuy nhiên, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ và Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 2 đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Trong năm 2022, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Mỹ vẫn tăng trưởng khả quan. Kim ngạch xuất khẩu tháng 12 đạt 8,19 tỷ USD đưa tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 109,38 tỷ USD - lần đầu đạt mốc xuất khẩu sang 01 thị trường đạt mốc 100 tỷ, tăng 13,6% chiếm tỷ trọng 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nhập khẩu từ Mỹ 12 tháng 2022 đạt 14,47 tỷ USD giảm 5,2% đưa tổng kim ngạch thương mại 2 chiều năm 2022 lên 123,86 tỷ USD tăng 11% và cán cân thương mại đạt thặng dư 94,91 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2021.

Cụ thể, 05/37 nhóm hàng có giá trị xuất khẩu giảm gồm: hạt điều, sản phẩm hoá chất, cao su, mây tre cói và thảm, sắt thép các loại; 13 nhóm hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ (4 nhóm trên 10 tỷ, trong đó có 02 nhóm hàng xuất khẩu tiến tới mốc 20 tỷ gồm dệt may và máy móc thiệt bị dụng cụ phụ tùng khác). 10 nhóm hàng có sự tăng trưởng đáng kể trên 30% (Gạo, bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc, thức ăn gia súc và nguyên liệu, túi xách va li ví mũ ô dù, xơ xợi dệt các loại, giày dép các loại, điện thoại các loại và linh kiện, máy ảnh máy quay phim và linh kiện, đồ chơi dụng cụ thể thao và bộ phận v.v.).

Trong năm 2022, Việt Nam bổ sung mặt hàng trái bưởi vào danh sách hoa quả tươi xuất khẩu sang Mỹ cũng như xuất khẩu lô xe oto điện đầu tiên do Vinfast sản xuất sang thị trường này.

oto-dien-vinfast-tap-ket-tai-cang-cho-xuat-khau-1675319678.jpg
Ôtô điện VinFast tập kết tại cảng chờ xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, năm 2023, hoàn toàn có thể kỳ vọng kim ngạch thương mại hai chiều giữa 02 nước tiếp tục vượt mốc 100 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2023 sẽ là năm đầy thách thức và khó khăn đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam nói chung cũng như hàng xuất khẩu sang Mỹ nói riêng.

Tuy nhiên, thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức luôn đi cùng nhau. Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ giữa doanh nghiệp và Hiệp hội, địa phương cũng như giữa các doanh nghiệp với nhau thì bản thân doanh nghiệp phải chủ động thích ứng, ứng phó, nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh để chiễm lĩnh thị trường, đặc biệt cần tập trung vào các xu thế của thị trường Mỹ.

Cụ thể, Mỹ là một trong những nước đi đầu thế giới về thực hiện chính sách “kinh tế xanh” nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, Chính phủ Mỹ đã thực hiện các chính sách mới nhằm đẩy mạnh phát triển nền kinh tế thông qua phát triển năng lượng, phát triển kinh tế xanh, thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng, giảm bớt ô nhiễm môi trường và thực hiện chính sách năng lượng tái tạo.

Việc Chính phủ Việt Nam đầu tư cho kinh tế xanh cũng như kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế xanh có thể hạn chế được nhiều rủi ro trực tiếp như như gián đoạn chuỗi cung ứng, tác động của thị trường, rủi ro uy tín, rủi ro gián tiếp như cạnh tranh về nguồn lực, rủi ro về quy định pháp lý v.v.

Bên cạnh những rủi ro trên, doanh nghiệp sẽ nhận được nhiều cơ hội, động lực để gia nhập thị trường thích ứng với khí hậu bao gồm phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới để đáp ứng nhu cầu thị trường; mở rộng thị trường mới cho các sản phẩm và dịch vụ hiện có; tiết kiệm chi phí trong toàn bộ chuỗi giá trị; hợp tác thông qua chuỗi cung ứng; nâng cao danh tiếng và giá trị thương hiệu.

Ngoài ra, hiện Mỹ cũng là thị trường khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tính đến tháng 12/2022, Mỹ khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam, tổng cộng hơn 52 vụ, chủ yếu là điều tra chống bán phá giá và chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp thông qua gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Các sản phẩm bị điều tra khá đa dạng, từ nông - lâm - thủy sản như: gỗ, cá tra - basa, tôm, mật ong, tới các sản phẩm công nghiệp như: se-mi rơ móc kéo, thép, máy cắt cỏ... thậm chí sản phẩm bìa kẹp hồ sơ. Điều này cho thấy Mỹ đang tăng cường quản lý các mặt hàng đã bị áp thuế phòng vệ thương mại để đảm bảo hiệu quả thực thi của các biện pháp đã áp dụng.

Thương vụ Việt Nam tại Mỹ khuyến nghị doanh nghiệp khi xuất khẩu qua thị trường này cần chủ động nghiên cứu các vụ việc đã có kết luận để chuẩn bị sẵn hồ sơ chứng minh cho các lô hàng xuất khẩu để tránh bị áp thuế chống bán phá giá cao. Để xuất khẩu hàng hóa ổn định, bền vững sang Mỹ, cần theo dõi và tuân thủ các khuyến cáo, cảnh báo sớm của cơ quan chức năng Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) về phòng vệ thương mại./.

Đông Nghi