Một huyện ven đô Hà Nội có tới 81 lễ hội truyền thống, trong đó có nhiều lễ hội lớn như lễ hội chùa Bối Khê ở xã Tam Hưng, lễ hội Bình Đà ở xã Bình Minh…, và 122 di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng. Hôm nay trở lại sau những năm đi xa, trong tôi trào lên một niềm vui dào dạt và tự hào trước sự thay da, đổi thịt của quê hương.
Thanh Oai có những nét đặc trưng của nền văn hóa đồng bằng Bắc Bộ với rất nhiều đình, chùa, đền, miếu mạo cổ kính và những làng nghề lâu đời. Đặc sắc nhất là làng làm nón lá Phương Trung (Làng Chuông), được công nhận là làng điển hình của văn hóa đồng bằng Bắc Bộ; làng điêu khắc ở Võ Lăng (Dân Hoà), Dư Dụ (Thanh Thuỳ) và rải rác khắp huyện là các làng nghề mây tre đan.
Tín ngưỡng chủ yếu của người dân Thanh Oai là đạo Phật và đạo Thiên chúa, vì vậy, hầu như mỗi ngôi làng đều có đình, chùa, và Trung tâm của Thiên chúa giáo trong vùng là nhà thờ Thạch Bích, xã Bích Hòa và nhà thờ Từ Châu xã Liên Châu, mỗi làng lại có một nhà thờ nhỏ.
Do vị trí địa lý nằm cách trung tâm Hà Nội chỉ hơn chục cây số nên Thanh Oai có rất nhiều tiềm năng cho sự phát triển. Hiện nay, thành phố Hà Nội đang triển khai xây dựng nhiều dự án trên địa bàn huyện: trục đường phát triển phía nam với các khu đô thị Mỹ Hưng, Thanh Hà A, Thanh Hà B; dự án đường vành đai 4; cụm công nghiệp Cao viên, Bình Đà...
Là huyện đồng bằng có diện tích gần 142km2, Thanh Oai luôn chú trọng việc chuyển đổi mô hình canh tác nông nghiệp như: lúa - cá, chuyên cá, cây ăn quả, theo hướng xây dựng thành các trang trại. Đây là những mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hệ thống đường xá của huyện cũng rất thuận tiện. Quốc lộ 21B là huyết mạch giao thông của huyện, từ Hà Đông đi Chùa Hương và sang Hà Nam, qua thị trấn Kim Bài; Quốc lộ 6 qua rìa phía Tây Bắc huyện.
Ngoài ra còn có tỉnh lộ 71, tuyến đường sắt vành đai phía Tây Hà Nội chạy qua để tới ga Văn Điển. Hà Nội đang xây dựng trục đường phát triển phía Nam Hà Tây cũ, con đường nối đường Trần Phú Hà Đông với quốc lộ 1A đoạn Cầu Giẽ, qua các xã: Cự Khê, Mỹ Hưng, Thanh Thùy, Tam Hưng, Thanh Văn… Con đường này sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển của Thanh Oai trong tương lai.
Tuy vậy, hướng phát triển mạnh nhất của Thanh Oai vẫn là làng nghề. Nghề thủ công truyền thống luôn là một thế mạnh của huyện, làm giàu cho người dân Thanh Oai và có được nhiều người vùng quê khác tìm đến học nghề. Với 118 làng nghề, trong đó có 27 làng nghề đã được công nhận như nón lá làng Chuông, quạt giấy làng Vác, điêu khắc Thanh Thùy, sơn tượng Võ Lăng, tương Cự Đà, giò chả Ước Lễ... Thanh Oai nổi tiếng là một huyện có nhiều làng nghề được cả nước biết đến.
Ấn tượng về “xã nghề” giàu có
Một trong những xã nổi tiếng giàu có nhờ nghề truyền thống là Thanh Thuỳ với hơn 1.900 hộ dân, gần 7.000 nhân khẩu sống trong 6 thôn trên một diện tích đất tự nhiên khoảng 550 ha. 80% dân Thanh Thuỳ làm nghề kim khí, trong đó thôn lớn nhất là Rùa Hạ, nơi được gọi vui là “Khu công nghiệp Rùa Hạ” bởi có tới 90% số hộ theo nghề truyền thống. Sản phẩm của “Khu công nghiệp Rùa Hạ” rất đa dạng, đó là phụ tùng xe máy, xe đạp, cửa hoa, cửa xếp, ổ khoá, đồ điện tử, và vô vàn các mặt hàng dân dụng thiết yếu khác.
Thanh Thuỳ xưa được xây dựng dọc theo dòng sông Nhuệ, nhưng con sông đã được nắn dòng chảy để tránh bị hạn vào mùa khô và lũ lụt vào mùa mưa đã đem lại đất màu mỡ cho Thanh Thuỳ, nhiều tiềm năng để phát triển. Giờ đây, các thôn của Thanh Thuỳ đều bám theo trục đường tỉnh lộ 427 rất thuận lợi cho sự phát triển của làng nghề. Hàng loạt khu công nghiệp nhà xưởng mọc lên hệt như những khu công nghiệp phố thị bên những cánh đồng lúa mướt xanh. Sôi động trong sản xuất giao thương nhưng phong cảnh Thanh Thuỳ vẫn rất thanh bình, hiền hòa đúng như cái tên Thanh Thuỳ với hàm ý của người xưa về phẩm hạnh người con gái thôn quê thuỳ mị, hiền hậu, thanh cao.
Hiện nay, Thanh Thuỳ đang xúc tiến quy hoạch cụm, điểm công nghiệp làng nghề kim khí với diện tích 5,9 ha. Mục đích đưa các cơ sở sản xuất của những hộ nghề ra khỏi khu dân cư để tránh gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ không gian sống của người dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ làm nghề mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, thu hút lao động góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Về làng nghề Dư Dụ
Chúng tôi về Dư Dụ trong một sáng mùa hè rực nắng, khắp nơi trong làng rộn vang tiếp chạm khắc trên các chất liệu gỗ, đá. Nghề điêu khắc ở Dư Dụ có từ rất lâu rồi. Từ thời nhà Nguyễn đã có rất nhiều thợ giỏi tuyển chọn từ Dư Dụ đưa vào chạm khắc cho các công trình ở kinh thành Huế, họ đã lập thành làng của những người Dư Dụ ở cố đô.
Nghề chạm khắc ở Dư Dụ duy trì và phát triển cho đến ngày nay theo hình thức “cha truyền con nối”, được tổ chức theo qui mô gia đình. Người dân ở đây, từ trẻ nhỏ lên 10 đến những người thợ già vẫn luôn từng ngày, từng giờ mài rũa, đục khắc để làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống tinh xảo. Sản phẩm là các mặt hàng đa dạng, đòi hỏi kỹ thuật cao: tượng Phật, cửa võng, tranh khắc, phù điêu… được làm từ gỗ pơmu, gỗ mít, gỗ hoàng đàn, dạ hương.
Thợ chạm khắc Dư Dụ còn giỏi điêu khắc trên chất liệu đá. Sản phẩm điêu khắc của Dư Dụ được ưa chuộng không chỉ ở trong nước mà còn có mặt ở nhiều nước trên thế giới, vì vậy, nghề điêu khắc ở Dư Dụ đang ngày càng phát triển, nhất là khi nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước ngày càng tăng như hiện nay.
Đến Dư Dụ, trong tiếng xe cộ qua lại tấp nập vẫn thấy vang lên những tiếng chí chát của những nhát đục, nhát gõ và âm thanh của tiếng cưa, xẻ gỗ, cảm nhận được mùi gỗ mới, mùi nước sơn... Cùng với những tiến bộ của khoa học kĩ thuật, hiện nay, những người thợ của làng nghề điêu khắc Dư Dụ đã sử dụng máy móc để hỗ trợ, thay thế một số khâu trước đây chỉ làm bằng thủ công thuần tuý như pha chế nguyên liệu và hoàn thiện sản phẩm.
Các loại máy cưa, máy tiện, máy phun sơn, và một số dụng cụ khác hỗ trợ rất nhiều cho người thợ đầu tư vào nâng cao tay nghề tinh xảo. Điều này rất quan trọng trong việc sáng tạo mẫu mã, đưa những họa tiết mới cho bức điêu khắc thêm độc đáo. Hiện nay, thu nhập từ làm nghề điêu khắc chiếm tỉ trọng lớn trong sự phát triển kinh tế của thôn, bởi có đến 80% lao động của Dư Dụ làm nghề điêu khắc truyền thống.
Toàn thôn có 8 cơ sở sản xuất kinh doanh là chủ xưởng gia đình, thu hút số lượng lớn lao động của thôn và các địa phương khác đến học nghề, làm nghề tại cơ sở. Với khả năng sáng tạo mạnh mẽ, những người thợ chạm khắc Dư Dụ không chỉ phát triển sản phẩm điêu khắc truyền thống, sáng tạo mẫu mới, tập trung sản xuất những mặt hàng có tính nghệ thuật, tính sáng tạo cao để tăng giá trị kinh tế và giữ gìn thương hiệu cho sản phẩm làng nghề, mà còn biết tận dụng những mảnh gỗ thừa sản xuất ra nhiều sản phẩm gia dụng, trang trí như chiếu hạt, nệm hạt, mặt nạ, vòng tay...
Đến nay, sau nhiều nỗ lực, những sản phẩm gia dụng của làng nghề đã có chỗ đứng trên thị trường và phát triển thành một bộ phận sản xuất không nhỏ với 5 cơ sở lớn chuyên sản xuất chiếu hạt, nệm hạt… Trong tình trạng nguồn nguyên liệu gỗ cho sản xuất ngày càng khan hiếm và giá thành ngày càng đắt đỏ, đây là cách làm sáng tạo của Dư Dụ để vừa đa dạng hóa sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động vừa không làm mai một nghề truyền thống.
Được những người trong nghề đánh giá là nơi nổi tiếng tạo ra những sản phẩm điêu khắc đặc sắc và mang tính sáng tạo cao, làng nghề Dư Dụ (xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, Hà Nội) là nơi lưu giữ khá nhiều tinh hoa của nghệ thuật điêu khắc, đặc biệt là điêu khắc tượng. Những sản phẩm tượng của làng nghề như tượng Di Lặc, Quan Công, Phúc Lộc Thọ... đều mang vẻ riêng, thần thái biểu cảm, rất có hồn và sống động.
Nghề điêu khắc ở Dư Dụ đã trở thành nghệ thuật, là nơi người thợ thỏa chí sáng tạo và thể hiện tài hoa khéo léo của đôi bàn tay. Không chỉ làm nghề bằng bàn tay khối óc, người thợ Dư Dụ làm nghề còn bằng cái tâm, bằng lòng yêu nghề tha thiết. Chính lòng yêu nghề và cách làm nghề theo lối nhập tâm đã tạo cho người thợ điêu khắc Dư Dụ những kỹ năng tuyệt vời, phần lớn thợ của Dư Dụ khi tạc tượng không cần vẽ mẫu, chỉ dựa vào hình dáng của gỗ và nhân vật được tạc mà sáng tạo ra hình dáng, khắc họa nét biểu cảm riêng cho từng pho tượng.
Mỗi pho tượng là một công trình nghệ thuật, kết quả sáng tạo của người cầm dao khắc nên, người thợ chạm khắc Dư Dụ rất khắt khe trong việc chọn lựa nguyên liệu. Gỗ dùng để tạc tượng phải là những loại gỗ nhẹ, dẻo, có độ đàn hồi cao, có vân đẹp và không bị mối mọt như gỗ samu, pơmu, hoàng đàn, gỗ lũa, gỗ mít lâu năm... vì thế sản phẩm của làng nghề luôn được đánh giá cao cả về chất lượng và giá trị thẩm mỹ.
Và cũng chính vì vậy, sản phẩm điêu khắc của làng nghề Dư Dụ không những chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong nước mà còn được xuất khẩu sang Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc... Nghề điêu khắc đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây, ông Nguyễn Hồng Quân, Trưởng thôn Dư Dụ chia sẻ. Điêu khắc từ vị trí nghề phụ đã vươn lên trở thành nghề chính của người dân Dư Dụ.
Bên cạnh sự sáng tạo và năng động trong việc đa dạng hóa sản phẩm, làng nghề Dư Dụ còn rất chú trọng công tác đào tạo, dạy nghề cho thế hệ trẻ. Hàng năm, ngoài những lớp đào tạo do những thợ giỏi của làng nghề đứng ra truyền nghề, Dư Dụ còn được các cơ quan chức năng như Trung tâm khuyến nông, Trung tâm dạy nghề thuộc Tổng Cục dạy nghề hỗ trợ mở các lớp đào tạo nghề. Hiện nay Dư Dụ đã có gần 300 lao động được đào tạo nghề, số lao động này đang từng ngày góp sức củng cố thêm danh tiếng cho sản phẩm của làng nghề điêu khắc truyền thống của quê hương.
Việc đào tạo nghề, truyền nghề được quan tâm thực hiện như hiện nay đã đem lại niềm tin vào sự phát triển nghề truyền thống của làng cho người dân Dư Dụ. Lớp thợ trẻ kế cận đầy nhiệt huyết, khả năng sáng tạo sẽ là lực lượng tiếp tục phát huy, phát triển nghề truyền thống của làng, đưa sản phẩm của làng nghề vươn xa hơn nữa ra thị trường thế giới./.