Một sự hy sinh thầm lặng

Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in trường hợp hy sinh của liệt sĩ Lục Cá Dẫu người Sán Dìu, quê xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh.
chien-tranh-viet-nam-quang-tri-mffo-1658554205.jpg
Ảnh mang tính minh họa

Anh là Tiểu đội trưởng của Trung đội 1, Đại đội Trinh sát Trung đoàn 6, Quân khu Trị-Thiên, hy sinh ngày 15-5-1973 tại khu vực cao điểm 201 thuộc địa phận huyện Hương Thủy (nay là thị xã Hương Thủy), tỉnh Thừa Thiên-Huế. Lúc bấy giờ, tôi là cán bộ trung đội, được trung đoàn giao nhiệm vụ phụ trách một tổ trinh sát gồm Dẫu và Thiết, mang theo mìn định hướng, thuốc nổ và lựu đạn tiềm nhập, luồn sâu vào hậu phương địch tìm mục tiêu gây tiếng nổ, đánh lạc hướng buộc chúng hoang mang đối phó cả phía trước lẫn phía sau. Nhận nhiệm vụ xong, cả tổ lên đường.

Tuyến phòng thủ của địch vùng giáp ranh khá dày nhằm chặn lực lượng của ta móc nối với đồng bằng. Chúng tôi tìm một chỗ võng “yên ngựa” giữa hai cụm chốt của địch cách nhau chừng trăm mét để tiềm nhập luồn qua. Khi còn cách con đường “yên ngựa” chừng mươi mét thì phát hiện mùi thuốc lá Ruby, phía trước có tiếng động. Phán đoán đây là một tổ gác của địch bảo vệ hành lang, tôi ra hiệu cho Dẫu và Thiết nằm yên nghe ngóng theo dõi.

Bỗng trước mặt nghe rõ những tiếng lốp bốp như rang ngô. Tôi quan sát thấy cả đàn ong bầu đất con nào con nấy to bằng hai đốt ngón tay đang thi nhau gõ vào thân hình quần đùi áo cộc, nhễ nhại mồ hôi của Dẫu. Dẫu rùng mình mấy cái rồi nằm im.

Chắc là nghe động, tên lính gác cùng đồng bọn nã mấy loạt tiểu liên AR15 sượt qua lưng chúng tôi, tiếp theo là tiếng lựu đạn nổ chát chúa, cành cây đất đá rơi sàn sạt. Vì cự ly giữa chúng tôi và địch quá gần nên lựu đạn chúng ném ra rơi hết về phía sau. Trong trạng thái bất đắc dĩ, tôi ra hiệu cho Thiết mở khóa an toàn cò súng, chờ một tình huống xấu hơn. Sau một hồi náo loạn, không gian trở lại yên tĩnh, một sự yên tĩnh đến lạnh lùng.

Mười lăm rồi hai mươi phút trôi qua, không có động tĩnh gì từ phía địch, tôi mới nhận định mình chưa bị lộ. Đàn ong mất tổ sau làn khói lựu đạn cũng đã tản gần hết, lác đác vài con vo ve trên cao. Tôi ném một cục đất nhỏ về phía Dẫu ra hiệu nhưng vẫn không thấy ám hiệu từ phía Dẫu đáp lại.

Biết đã xảy ra chuyện, tôi bò lên lay Dẫu, thấy bất động. Tôi sững sờ nhìn Dẫu, một âm thanh đã ra đến cổ họng nhưng không có dịp bật lên thành tiếng. Toàn thân Dẫu bầm tím và đang sưng vù lên. Tôi ngó nghiêng người Dẫu, không có dấu máu. Vậy là trong lúc tiềm nhập, mải lo tập trung chú ý địch phía trước nên Dẫu đã không biết dưới bụng mình là một tổ ong bầu đất và khẩu AK báng gập cùng thân hình Dẫu đã tỳ sập tổ ong. Đàn ong mất tổ đã điên cuồng giết chết Dẫu. Biết là bất khả kháng, Dẫu đã chọn cái chết để bảo đảm bí mật nhiệm vụ và an toàn cho hai anh em tôi. Anh đã ra đi như một người anh hùng.

Đang loay hoay tìm cách đưa Dẫu ra, địch thấy động tung thêm mấy quả lựu đạn nữa làm Thiết bị thương. Biết không thể đưa Dẫu ra được, tôi đành để Dẫu nằm lại rồi đưa Thiết quay về báo đơn vị. Hôm sau, đại đội cử một tổ đi lấy thi hài Dẫu nhưng địch đã nống ra nên việc không thành.

Hết chiến tranh, mỗi người một quê. Người sống tìm nhau đã khó huống gì người đã mất. Chính vì thế mà mãi 40 năm sau, gia đình Dẫu mới tìm gặp được anh em chúng tôi. Ngày 4-6-2013, cả gia đình liệt sĩ Lục Cá Dẫu từ Quảng Ninh hơn 10 người đi hai xe ô tô con có mặt tại thành phố Vinh nhờ tôi cùng đi tìm hài cốt Dẫu. Lúc đó, tôi đang nằm viện vì chấn thương sau một tai nạn giao thông. Biết mình không thể đi được, tôi gọi điện cho Hương ở Hà Tĩnh ra và Hanh ở thành phố Vinh đến.

Cả hai vốn là những chiến sĩ trinh sát lão luyện của đơn vị. Tôi trình bày sự thể, thống nhất nội dung, định vị điểm đến trên bản đồ nơi Dẫu hy sinh, rồi ủy thác cho Hanh và Hương thực thi nhiệm vụ. Sáng sớm hôm sau, cả đoàn chia tay gia đình tôi lên đường vào Huế. Mặc dù cơn đau còn âm ỉ, tôi vẫn cố gắng dõi theo và đối thoại cùng đoàn qua điện thoại di động.

Từ thực địa, Hanh và Hương điện về cho tôi là đã đến đúng vị trí tọa độ xác định, tập trung phát quang một vùng khá rộng, nhưng vẫn không phát hiện dấu vết gì. Tôi đang băn khoăn thì bỗng Hanh reo qua điện thoại: “Thấy Dẫu rồi, anh Tâm ơi!”. Tôi chưa kịp hỏi chi tiết thì điện thoại mất tín hiệu, sóng yếu không liên lạc được.

Mãi gần một giờ sau, tôi mới liên lạc được với Hương và được biết: Trong khi phát rừng, cô cháu gái (con gái của em trai Dẫu) có lẽ do say nắng hay sao đó chạy vào ngã ngất trong bụi cây, Hanh và Hương cùng vài người gần đó chạy lại đỡ cháu dậy. Loay hoay thế nào lại giẫm phải tổ ong, ong tá hỏa bay lên đốt sưng tay, mặt mũi, riêng cô cháu gái nằm bên miệng tổ ong thì không bị ong đốt. Linh tính và sự trùng hợp ngẫu nhiên khiến gia đình liệt sĩ Dẫu quả quyết đây là vị trí anh nằm xuống.

Quả thật, sau khi đốt khói đuổi ong đi, anh em phát dọn lá cây rồi dùng xẻng đào đất tìm kiếm. Thấy một chỗ đất khang khác cạnh tổ ong, đào xuống chừng 30cm, bới lần xuống giữa hố thấy một chiếc khóa thắt lưng đã mòn gỉ (loại thắt lưng lính trinh sát hay đeo lựu đạn, túi cá nhân). Có thể khi chúng tôi rút đi, địch đã mò ra rồi đào hố hất Dẫu xuống, lấp lại. Tôi nghe Hương kể mà thấy an lòng..../.