Theo thỏa thuận, UOB (United Overseas Bank) sẽ mua lại các danh mục cho vay tín chấp và có bảo đảm, quản lý tài sản và các đơn vị tiền gửi cá nhân của Citi – những bộ phận tạo nên hoạt động kinh doanh tài chính tiêu dùng của Citi tại bốn thị trường trên. Ngân hàng có trụ sở tại New York sẽ vẫn giữ quyền kiểm soát các mảng kinh doanh tài chính tổ chức của mình ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
UOB sẽ trả cho Citigroup bao gồm giá trị tài sản ròng cũng như khoản phí bảo hiểm 690 triệu USD của các bộ phận được mua lại. Mảng tài chính tiêu dùng của Citi có tổng giá trị ròng khoảng 4 tỷ SGD (2,97 tỷ USD) với lượng khách hàng khoảng 2,4 triệu người tính đến ngày 30/6/2021. Khoảng 5.000 nhân viên thuộc mảng tài chính tiêu dùng cũng như nhân viên hỗ trợ tại bốn thị trường của Citi dự kiến sẽ chuyển đến UOB khi thỏa thuận nêu trên hoàn tất.
Citi cho biết họ hy vọng thương vụ sẽ giải phóng khoảng 1,2 tỷ USD vốn cổ phần hữu hình và tăng lượng vốn này thêm hơn 200 triệu USD. Vốn cổ phần hữu hình là một thước đo đánh giá khả năng đối phó với các khoản lỗ có thể xảy ra của một tổ chức tài chính. Citi dự kiến thương vụ sẽ được hoàn tất trong khoảng từ giữa năm 2022 đến đầu năm 2024, tùy thuộc vào tiến độ và kết quả của quá trình phê duyệt theo quy định.
Giám đốc điều hành (CEO) Citigroup, bà Jane Fraser năm ngoái từng cho biết rằng ngân hàng này sẽ rời khỏi hoạt động bán lẻ ở 13 quốc gia bên ngoài thị trường Mỹ để cải thiện lợi nhuận. Nhiều thị trường trong số đó thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Australia (Ôx-trây-li-a), Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Trong năm 2021, Citi cho biết họ đã đồng ý bán các mảng kinh doanh tài chính tiêu dùng của mình ở Philippines (Phi-líp-pin) và Australia, đồng thời cắt giảm hoạt động của mảng này tại Hàn Quốc./.