Theo bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), tình hình cung cấp điện 2022 dự báo sẽ rất căng thẳng. Từ thực tế năm 2021, vào những tháng nắng nóng như tháng 6, thời tiết cực đoan, công suất tiết giảm khu vực miền Bắc có thời điểm lên tới 2.100 MW, tương đương khoảng 18% tổng công suất khu vực miền Bắc. Trong khi khu vực miền Nam và miền Trung thừa điện thì việc khó khăn về nguồn điện vẫn tiếp diễn ở khu vực phía Bắc.
Chủ tịch EVNNPC cho hay, tổng công suất lớn nhất khu vực phía Bắc đã tính tiết giảm trong năm 2021 là 13.800 MW, tuy nhiên, theo đăng ký của các khách hàng công nghiệp trong năm 2022 với con số là 3.400 MW, tăng trưởng khoảng 24%, chưa kể các phụ tải sinh hoạt cũng tăng trưởng mạnh vào giai đoạn nắng nóng. "Như vậy, kiểm lại các nguồn điện của khu vực phía Bắc thì rất lo ngại cho năm 2022", bà Ánh nói.
Năm 2021 vừa qua, điện thương phẩm của EVNNPC đạt gần 82 tỷ kWh, tăng trưởng 9,31% so với năm 2020; trong đó, thành phần công nghiệp xây dựng chiếm tỷ trọng 64,79% và tăng trưởng 10,37%; thành phần quản lý tiêu dùng chiếm tỷ trọng 29,08% và tăng 8%...
Vượt qua những khó khăn do thay đổi quy định về đầu tư, giải phóng mặt bằng, môi trường, dịch bệnh COVID-19, giá nguyên vật liệu biến động…, Tổng công ty cũng đã hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu về đầu tư xây dựng. Đến hết ngày 31/12, EVNNPC đã khởi công được 88/78 dự án 110 kV, đạt 112,8% kế hoạch EVN giao; đóng điện được 86/81 dự án 110 kV, đạt 106,2% kế hoạch EVN giao.
“Chúng tôi tăng trưởng mạnh, đây là thành tích nhưng cũng là thách thức với Tổng công ty, nhất là trong những tháng mùa Hè khi nắng nóng cực đoan xảy ra. EVNNPC đã đảm bảo cung ứng điện ổn định trong 2021, đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Các dự án đã khởi công, đóng điện vượt kế hoạch được giao, góp phần lớn giải quyết đầy, quá tải tại miền Bắc, giảm đáng kể”, bà Ánh cho biết.
Tuy vậy, để đủ điện cho miền Bắc trong mùa Hè năm 2022, bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch EVNNPC kiến nghị lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tính toán phương án đảm bảo tối đa độ khả dụng nguồn điện cho miền Bắc. Ngoài ra, EVN sớm phê duyệt phương thức vận hành đối với các tháng nắng nóng để khách hàng công nghiệp chủ động có phương án sản xuất kinh doanh hợp lý, dành nguồn công suất cho khối khách hàng sinh hoạt, giảm bớt việc tiết giảm điện sinh hoạt. .
Báo cáo của EVNNPC cho hay, nhu cầu phụ tải miền Bắc dự báo tăng trưởng rất mạnh mẽ, năm 2021 tăng trưởng 9,31%, nhưng trong năm 2022, riêng phụ tải công nghiệp tăng trưởng dự kiến tăng 24%. Do vậy, nhu cầu đầu tư cho lưới 110 kV và xuất tuyến trung áp là rất cao, trong những năm qua, khu vực miền Bắc, đặc biệt là EVNNPC về tiếp nhận lưới điện nông thôn và tiếp nhận lưới điện các khu vực thủy nông, quân đội, nông thôn miền núi… với khối lượng rất lớn. Hiện trong 5.286 xã, đơn vị đã tiếp nhận hơn 90%, với số công tơ chiếm 47% tổng số công tơ của EVNNPC, đường dây hạ áp chiếm 42%...
Bà Đỗ Nguyệt Ánh cho hay, tình trạng lưới điện này rất kém, hầu hết không đảm bảo tiêu chuẩn do vậy khi nhu cầu gia tăng công suất không đáp ứng được. Tổng công ty Điện lực miền Bắc trong năm qua do điều kiện đầu tư hạn hẹp nên chỉ sửa chữa tối thiểu để có thể đáp ứng cơ bản điều kiện kỹ thuật vận hành; còn để đáp ứng nhu cầu sử dụng người dân thì phải cải tạo, nâng cấp thêm.
“Kính đề nghị các bộ, ngành, EVN xem xét cho EVNNPC tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để tiến hành đầu tư, nâng cấp”, bà Ánh kiến nghị./.