Mới đây trong một bài đăng trên Facebook, Bộ trưởng Bộ Truyền thông Malaysia Fahmi Fadzil cho biết TikTok vẫn chưa đạt yêu cầu trong việc tuân thủ luật pháp của Malaysia. Ông còn nhấn mạnh nền tảng này cần chủ động hơn trong việc kiểm soát sự lan truyền của tin tức giả mạo, tài liệu vu khống.
Theo đó, ông Fadzil cương quyết rằng TikTok phải giải quyết các vấn đề liên quan đến thuật toán phân phối nội dung và quảng cáo sau các khiếu nại gần đây.
Về phía TikTok, trên tờ Wall Street Journal, người phát ngôn của nền tảng này cho biết đã đảm bảo rằng họ sẽ luôn hợp tác với chính phủ Malaysia. Đồng thời công ty sẽ có kế hoạch họp vào tuần tới với Ủy ban Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia để thể hiện điều này. Hơn nữa, họ còn khẳng định, những thiếu sót của TikTok là do chưa có đại diện tại Malaysia.
Trước tình hình trên, khi chính quyền của Thủ tướng Anwar Ibrahim tuyên bố sẽ hạn chế các bài đăng mang tính khiêu khích liên quan đến chủng tộc, tôn giáo và hoàng gia, Malaysia đã tăng cường giám sát nội dung trực tuyến trong những tháng gần đây.
Trước đó, nhằm siết chặt an ninh mạng, Bộ trưởng Bộ Truyền thông Malaysia đã đưa ra tuyên bố trước Quốc hội ngày 23/7/2020 rằng tất cả những người làm video, bao gồm cơ quan báo chí và người dùng mạng xã hội như TikTok và Facebook, đều phải có giấy phép đăng ký. Tuyên bố này nhận về không ít ý kiến trái chiều khi một bộ phận người dân cho rằng điều này là vô lý.
Không chỉ Malaysia, Việt Nam và các nước khu vực Đông Nam Á vẫn đang thanh kiểm tra những sai phạm của TikTok. Vì lẽ đó, dù chính phủ các nước này có đưa ra đạo luật nào, thì nền tảng TikTok cũng nên có sự hợp tác nếu muốn hoạt động ở các quốc gia này.