Hạ viện Mỹ cấm ứng dụng TikTok

Ủy ban Hành chính thuộc Hạ viện Mỹ vừa thông báo cấm cài đặt ứng dụng phát video ngắn TikTok trên tất cả các thiết bị do Hạ viện Mỹ quản lý.

Ủy ban Hành chính thuộc Hạ viện Mỹ cho biết, ứng dụng TikTok (thuộc công ty Byte Dance có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc) bị coi là có mức độ rủi ro cao do một số vấn đề bảo mật và phải được xóa khỏi mọi thiết bị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan lập pháp này.

Quy định mới được đưa ra tiếp sau một loạt động thái của chính quyền các bang ở Mỹ cấm TikTok trên những thiết bị thuộc sự quản lý của Chính phủ. Tính đến tuần trước, 19 bang đã cấm một phần hoặc hoàn toàn ứng dụng này trên những thiết bị thuộc quyền quản lý của nhà nước, vì lo ngại dữ liệu người dùng do TikTok thu thập có thể bị lạm dụng.

Vào giữa tháng 12, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cấm TikTok trên thiết bị di động dành cho nhân viên liên bang. Dự luật đã được Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua, nhưng vẫn cần sự ủng hộ của Hạ viện để bắt đầu có hiệu lực. Lệnh cấm được Thượng nghị sĩ Josh Hawley đưa ra áp dụng cho TikTok và tất cả các ứng dụng khác do công ty mẹ ByteDance phát triển.

tiktok-1672210383.jpg
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, một số trường hợp ngoại lệ sẽ được áp dụng cho các nhà nghiên cứu đủ điều kiện, quan chức thực thi pháp luật và trong các tình huống an ninh quốc gia bị đe dọa. Trong những trường hợp đặc biệt như vậy, các cơ quan có thẩm quyền sẽ phải chuẩn bị trước các giao thức để giảm thiểu tối đa rủi ro.

Dự luật ngân sách Chính phủ liên bang trị giá 1.700 tỷ USD cho tài khóa 2023 được thông qua hôm 20/12 cũng bao gồm điều khoản cấm TikTok trên các thiết bị do chính quyền liên bang quản lý và sẽ có hiệu lực sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành luật.

Các quan chức chịu trách nhiệm thực hiện chính sách này bao gồm Giám đốc Cơ quan An ninh Cơ sở hạ tầng, An ninh Mạng và Tình báo Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Quản trị viên Dịch vụ Tổng hợp. 

Trong khi đó, TikTok hạ thấp những lo ngại đằng sau lệnh cấm, cho rằng đó là "một đề xuất vô dụng cho lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ".

TikTok được cho là đang phát triển ứng dụng phát nhạc trực tuyến của riêng mình, vậy nên nếu nó được ra mắt, các nhân viên liên bang cũng sẽ bị cấm sử dụng ứng dụng này. Đáng chú ý, dự luật cấm cài đặt và sử dụng nền tảng video ngắn của Trung Quốc trên "bất kỳ thiết bị nào thuộc sở hữu của Mỹ hoặc công ty quốc doanh".

Thi Nguyên (t/h)