Mái ấm chung của thương, bệnh binh điểm tựa cho người trở về từ cuộc chiến

Những người trở về từ cuộc chiến mang trong mình những nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần. Đáng buồn hơn, khi trở về đa số họ đã không còn người thân thích để nương tựa. Với nhiệm vụ chăm sóc, phục hồi chức năng cho người có công, Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa đã trở thành “mái nhà chung” của những người lính già.
anh-1-cuu-chien-binh-1721877244.jpg
Thương binh Nguyễn Trọng Bái (SN 1937) với 40 năm gắn bó với Trung tâm.

Ngôi nhà của lòng biết ơn

Chiến tranh dù đã đi qua rất lâu nhưng những vết thương nó để lại vẫn khiến mỗi chúng ta không khỏi xót xa khi nghĩ về những người chiến sĩ đã hy sinh tuổi xuân để bảo vệ tổ quốc. Những người con anh dũng của đất nước, có người còn sống nhưng cũng có người đã nằm lại với đất mẹ thân yêu.

Những người trở về trong chiến tranh, họ phải sống trong nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần, không một người thân thích. Trước những mất mát, hy sinh của các thương binh, liệt sỹ cho dân tộc Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, thế hệ trẻ đối với liệt sỹ, gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng.

Với sứ mệnh chăm sóc, nuôi dưỡng người có công, thân nhân người có công, Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công Thanh Hóa đã nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa trị cho nhiều thương, bệnh binh, biến nơi này trở thành ngôi nhà chung ấm áp nghĩa tình. Từng bước xóa nhòa ranh giới giữa cán bộ, nhân viên với thương, bệnh binh, thay vào đó là những nghĩa cử cao đẹp.

Thương binh Nguyễn Trọng Bái, (SN 1937) với tỷ lệ thương tật 100%, người đã gắn bó với Trung tâm hơn 40 năm chia sẻ: “Tôi nhập ngũ năm 1965, đến năm 1968, trong trận chiến ở Khe Sanh, tôi đã bị thương nặng, được đơn vị vận chuyển ra Bệnh xá Quân khu 4 để điều trị. Sau đó lại chuyển ra Bệnh viện Quân y 108 tiếp tục chữa trị rồi về phục hồi chức năng tại Sơn Tây. Mãi đến năm 1984, tôi mới trở về trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công Thanh Hóa.

Dù không phải máu mủ, nhưng với sự chăm sóc tận tình của đội ngũ cán bộ nơi đây, chúng tôi như được sống lại trong thời trai trẻ. Cái thời mà xem nhẹ cái chết tựa lông hồng, sống đúng bản chất của người chiến sĩ cách mạng”.

Không chỉ chăm lo từng bữa ăn giấc ngủ cho các thương, bệnh binh, Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công còn là nơi “khơi nguồn” cảm hứng cho những người lính năm xưa phát huy sở trường của bản thân về thi ca, hội họa. Đặc biệt, đây còn là trường học lớn, giáo dục cho thế hệ trẻ về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” đối với thế hệ cha anh đã hi sinh xương máu của mình cho nền độc lập dân tộc.

Phó Giám đốc Trung tâm chăm sóc người có công Thanh Hóa Nguyễn Viết Thanh chia sẻ: “Ở đây có rất nhiều thương bệnh binh có tỷ lệ thương tật nặng, những lúc trở trời, các bác lại đau ốm, để tiện chăm sóc, đơn vị đã tổ chức kíp trực 24/24 để kịp thời chăm lo cho các bác một cách tốt nhất”.

Cũng theo ông Thanh, hiện trung tâm đang nuôi dưỡng 225 thương, bệnh binh. Trong đó Thương binh, bệnh binh tổng hợp là 38 người (BB: 01); Thương binh, BB tâm thần: 56 người (Thương binh: 17); Thân nhân liệt sỹ: 23 người (Vợ LS: 9; con TN: 13; Mẹ LS: 01); Chất độc da cam: 108 người (trực tiếp: 02; gián tiếp: 106).

Do các bác có nhiều bệnh tật khác nhau, nên chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng cũng cần phải chia theo nhóm, từ chế độ ăn uống, sinh hoạt… nên khối lượng công việc rất nhiều. Với tinh thần, trách nhiệm cao và lòng nhân ái, coi đối tượng người có công như người thân của mình, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên ở trung tâm luôn chăm sóc tận tình, chu đáo.

Hằng ngày, lãnh đạo đơn vị, chuyên môn y tế thường xuyên thăm khám, kiểm tra sức khỏe, chữa trị bệnh cho các bệnh nhân. Những thương, bệnh binh nặng được các bác sĩ, điều dưỡng chăm lo từ viên thuốc uống đến bữa ăn, giấc ngủ, vệ sinh cá nhân. Bên cạnh đó, việc phục vụ ăn uống cho bệnh nhân luôn được bảo đảm về định lượng và chất lượng trong từng bữa ăn. Nhà bếp thường xuyên cải tiến chế biến món ăn phù hợp với thương tật, bệnh lý, tâm lý, độ tuổi của từng đối tượng, luôn chú trọng công tác an toàn vệ sinh thực phẩm.

Câu chuyện cổ tích từ đời thật

Đối với các thương, bệnh binh, Trung tâm chăm sóc người có công không chỉ là ngôi nhà chung, là nơi “nương tựa” của đa phần người lính đã không còn người thân. Mà đây còn là nơi chứng kiến những mối tình cổ tích giữa cô điều dưỡng viên Lê Thị Ninh với Thương binh Bùi Văn Tuyển. Đây là mối tình sau thời chiến, nhưng tình yêu và lòng bao dung và sự mãnh liệt vẫn hừng hực, căng tràn nhựa sống như trong thời kỳ bom đạn.

anh-2-cuu-chien-binh-1721877419.jpg
Thương Binh Bùi Văn Tuyển đang chia sẻ với phóng viên Doanh nghiệp và Kinh tế xanh.

Thương binh Bùi Văn Tuyển sinh năm 1964 tại xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc, (Thanh Hóa). Năm 1983, theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, ông đã viết đơn xin nhập ngũ, chiến đấu giúp nước bạn Campuchia đành độc lập. Năm 1985, trong một lần trinh sát để nắm tình hình, ông đã bị thương nặng.

Sau nhiều lần điều trị, năm 1987 ông trở về quê hương với tỷ lệ thương tật 81%. Do gia đình chỉ có 3 chị em gái, khó bề chăm nom cho ông lúc ốm đau nên ông Tuyển đã lựa chọn Trung tâm làm bến đỗ trong quãng đời còn lại của đời mình.

Tại đây, ông đã gặp nữ điều dưỡng viên Lê Thị Ninh, một người con gái có trái tim nhận hậu và lòng bao dung như biển trời. Như một mối lương duyên, ông Tuyển và bà Ninh đã nguyện trọn đời bên nhau, dưới sự chứng kiến của cán bộ trung tâm và các thương bệnh binh đang điều trị tại đây.

Thương binh Bùi Văn Tuyển chia sẻ: “Khi mới vào đây điều trị, tôi mới 24 tuổi, cái tuổi khao khát được yêu đương, nhưng vì thương tật nên chỉ biết cất dấu ở trong lòng. Lúc đấy, bà Ninh thường phụ trách chăm sóc đặc biệt cho tôi. Trước một người con gái xinh đẹp, tôi đã rung động, nhưng vì mặc cảm nên tôi không dám thổ lộ.

Như hiểu được suy nghĩ của tôi, bà ấy đã chủ động ngỏ lời. Nhờ tình yêu của bà ấy, giúp tôi vực lại tinh thần, cố gắng sống cho thật ý nghĩa, xứng đáng với danh hiệu "Bộ đội cụ Hồ”.

Giờ đây, dù tuổi đã cao, sức khỏe ngày càng yếu dần, nhưng ông bà vẫn sống hạnh phúc bên nhau với 2 người con. Con trai đầu nối nghiệp cha hiện đang công tác tại Tỉnh đội Thanh Hóa, còn đứa con gái út theo nghề mẹ, tiếp tục “nâng đỡ” cho những bệnh binh có hoàn cảnh khó khăn tại Trung tâm.

Câu chuyện của Thương binh Lê Văn Tuyển và bà Lê Thị Ninh đã đi vào giai thoại của Trung tâm về những tấm lòng hi sinh của người chiến sĩ nơi hậu phương. Họ là những người mang trong mình trái tim nhân hậu của sự bao dung đối với những người đã quên thân mình vì non sông Đất nước.

“Dù không có quan hệ máu mủ, nhưng cán bộ nhân viên ở đây đều xem các thương, bệnh binh ở đây như người thân trong gia đình, thậm chí còn hơn người thân. Họ không ngại khó, ngại khổ để mang đến sự hài lòng cho mọi người” Thương binh Nguyễn Trọng Bái chia sẻ.

Từ những nỗ lực và những việc làm thiết thực của cán bộ, nhân viên trong hành trình chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho các thương, bệnh binh. Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương và địa phương. Nhưng đối với họ, bằng khen quý nhất là nụ cười hài lòng hàng ngày của những thương, bệnh binh tại đây./.

Hà Khải