IATP cho biết, nhiều công ty lớn không có kế hoạch bảo vệ môi trường hay mục tiêu về khí thải, và thậm chí còn gây lo ngại về "quảng cáo xanh", có nghĩa đưa ra tuyên bố vô căn cứ để đánh lừa người tiêu dùng tin rằng các sản phẩm của công ty là thân thiện với môi trường. Viện này đã kêu gọi các chính phủ siết chặt quản lý.
Nghiên cứu được tiến hành với 35 công ty sản xuất thịt bò, thịt lợn và bơ sữa lớn nhất châu Âu có trụ sở tại Liên minh châu Âu (EU), Anh và Thụy Sỹ, đánh giá các kế hoạch bảo vệ môi trường và lượng khí thải từ các chuỗi cung ứng, trong chăn nuôi, một nguồn lớn thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Theo phân tích này, các công ty nói trên chiếm 7% lượng khí thải tại EU trong năm 2018, trong khi lượng khí thải của 20 công ty lớn nhất vượt lượng khí thải của Hà Lan.
70% số công ty mà nghiên cứu theo dõi có lượng khí thải tăng trong giai đoạn 2016-2018. Lượng khí thải của công ty sản xuất thịt bò ABP của Ireland (Ai-len) tăng 45% và của Tonnies của Đức, nhà cung cấp Aldi, tăng 30%.
Trong lĩnh vực bơ sữa, các công ty Danone và Lactalis của Pháp có lượng khí thải tăng tương ứng 15% và 30% trong giai đoạn 2015-2017.
Trong số 20 công ty được phân tích, chỉ 4 công ty công bố lượng khí thải từ toàn bộ chuỗi cung ứng, dù chăn nuôi chiếm tỷ lệ lớn trong tổng lượng khí thải và chỉ ba công ty là Nestle, FrieslandCampina và ABP cam kết giảm lượng khí thải từ chăn nuôi.
IATP đặc biệt chỉ trích những công ty muốn giảm lượng khí thải trên mỗi kilo thịt và mỗi lít sữa, có nghĩa lượng khí thải có thể tăng nếu họ thúc đẩy sản xuất.
Theo IATP, một số công ty chú trọng canh tác tái tạo nhằm cải tạo đất nhưng đầu tư tương đối ít và khiến người nông dân chịu phần lớn chi phí và rủi ro./.