Cụ thể, từ ngày 01/01 đến 31/3, tổng lượt người xuất nhập cảnh đạt 188.522 lượt người. Tổng trọng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu đạt gần 351.000 tấn, tăng 211% so cùng kỳ năm 2022; trong đó, tại cửa khẩu cầu Bắc Luân II có 8.906 phương tiện xuất nhập cảnh, tăng 82,8% so cùng kỳ năm 2022, trung bình đạt 124 phương tiện/ngày chở hơn 148.000 tấn, tăng 104% so với cùng kỳ năm 2022, bình quân đạt 2.056 tấn hàng hóa xuất nhập khẩu/ngày.
Tại lối mở Km 3+4 Hải Yên có 11.759 phương tiện chở gần 185.000 tấn hàng hóa xuất nhập khẩu (bình quân đạt 142 phương tiện/ngày và 2.227 tấn/ngày) tăng 411 % so cùng kỳ 2022. Trong đó chủ yếu là các loại mặt hàng như hoa quả, bột sắn, thủy hải sản đông lạnh, hạt khô và các hàng hóa khác. Hàng hóa nhập khẩu là hàng tạp, hàng vải may mặc.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá trong 3 tháng đầu năm đạt 610 triệu USD, đạt 14% kế hoạch, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 350 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 260 triệu USD.
Trong quý I/2023, TP. Móng Cái đã thu hút được 70 doanh nghiệp mới, nâng tổng doanh nghiệp làm thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu trên địa bàn lên 347 doanh nghiệp. Thu thuế xuất nhập khẩu trong 3 tháng đạt 371,9 tỷ đồng, đạt 20,6% so dự toán, tăng 56,3% so cùng kỳ.
Đáng chú ý, với việc cửa khẩu Đông Hưng (Trung Quốc) đã chính thức được Tổng cục Hải quan Trung Quốc nghiệm thu và trở thành địa điểm đủ điều kiện nhập khẩu lương thực sẽ thúc đẩy lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tại Móng Cái. Dự kiến, lượng lương thực được làm thủ tục thông quan sang thị trường Trung Quốc qua cặp cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng đạt tối đa là 200.000 tấn/năm.
Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái đang trở thành cửa ngõ thông quan, thúc đẩy thương mại hàng nông sản, thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc và là cửa khẩu đường bộ lý tưởng đón khách du lịch xuất nhập cảnh.
Với lợi thế địa lý "giáp biển, giáp biên giới," thành phố Móng Cái có vị trí địa kinh tế, địa chính trị chiến lược, là một trong những cầu nối trực tiếp và quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác với ASEAN và Đông Bắc Á./.
TP. Móng Cái có nhiều tiềm năng, thế mạnh và còn nhiều dư địa để phát triển khi địa phương này nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, trên tuyến hành lang kinh tế liên vùng và quốc tế gồm Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Cửa khẩu Móng Cái - Cửa khẩu Đông Hưng - TP. Phòng Thành Cảng (Trung Quốc).
Ngoài ra, hệ thống cửa khẩu quốc tế, cảng biển, bến cảng thủy nội địa cùng với hệ thống giao thông đường bộ đồng bộ hiện đại đang dần hoàn thiện kết nối với tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái đã tạo thuận lợi phát triển các loại hình dịch vụ, đặc biệt là logistics, góp phần kết nối, thúc đẩy chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các tỉnh, thành trên cả nước với thị trường Trung Quốc.