Luật Đất đai 2024 giữ vị trí trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai và có mối liên hệ với nhiều luật, quy định khác

Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua, có hiệu lực từ 1/8/2024, với nhiều điểm mới nhằm thể chế hóa toàn diện các chủ trương, chính sách của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc được rút ra trong tổng kết thực tiễn việc tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013 và luật hóa các quy định đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực đất đai để phát triển đất nước.
1-1721721873.jpg
Luật Đất đai 2024 sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Là đạo luật có tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, Luật Đất đai 2024 giữ vị trí trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai và có mối liên hệ với nhiều luật, quy định khác. Ngày 18/1/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai sửa đổi năm 2024, trong đó, ghi nhận nhiều thay đổi mang tính toàn diện. 

Các chuyên gia đánh giá: “Luật Đất đai mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp lý về quản lý và sử dụng đất. Như vậy, khi có hiệu lực, Luật Đất đai 2024 được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều tác động mạnh mẽ, là tiền đề góp phần thay đổi tình hình đầu tư kinh doanh của không chỉ các ngành liên quan mật thiết như bất động sản mà còn trợ lực phát triển cho nhiều thị trường có liên quan như thị trường tài chính, xây dựng, dịch vụ”.

Ông Châu Việt Bắc - Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ: “Ở góc độ là cơ quan điều phối hoạt động giải quyết tranh chấp, qua thống kê trong năm 2023, VIAC ghi nhận sự gia tăng về số lượng tranh chấp bất động sản (cụ thể, tranh chấp bất động sản chiếm khoảng 26, 8% trên tổng số tranh chấp). Trong số các tranh chấp này, có một số tranh chấp có liên quan đến yếu tố đất đai. Tuy nhiên, do sự giới hạn của quy định pháp luật, các tranh chấp này thường gây nên những băn khoăn nhất định cho các bên và Hội đồng trọng tài về yếu tố thẩm quyền giải quyết. Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung năm 2024 đã có cơ chế khắc phục vấn đề này, khi mở rộng thêm thẩm quyền cho trọng tài đối với tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại có liên quan đến đất đai”.

Liên quan đến hoạt động đầu tư, Luật Đất đai cho thấy nhiểu cải tiến khi đã có sự bổ sung các quy định về nguyên tắc sử dụng đất, cơ chế về giao đất, cho thuê đất, cân bằng quyền lợi và vị thế của nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi khi đưa ra những quy định hoàn thiện liên quan tới bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Như vậy, với những nỗ lực nêu trên, trong tương lai, nhà đầu tư sẽ được tiếp cận với đất đai một cách thuận lợi hơn, thủ tục hành chính cũng đơn giản, thông thoáng hơn, người dân cũng được hưởng lợi khi giá đất bình ổn hơn, xoá bỏ nhiều vướng mắc pháp lý còn tồn tại. 

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết: “Luật Đất đai năm 2024 và Luật Đất đai năm 2013 đều căn cứ vào mục đích sử dụng đất đai mà phân loại đất đai thành nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng. Cách định nghĩa này khác so với cách định nghĩa theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, nhóm đất chưa sử dụng gồm các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng. Việc sửa đổi quy định về phân loại đất như Luật Đất đai năm 2024 là cần thiết, bởi điều này không chỉ giúp cho việc phân loại đất đai được thực hiện một cách khoa học, toàn diện mà còn làm cơ sở để phục vụ hiệu quả lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”.

2-1721721932.jpg
So với Luật Đất đai năm 2013, Luật Đất đai năm 2024 đã hoàn thiện các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo đây là nền tảng của công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Có thể nói, Luật Đất đai 2024 đánh dấu một trang mới cho sự phát triển của nền kinh tế và thị trường bất động sản tại Việt Nam sau quãng thời gian đầy ảm đạm trong năm 2023. Tuy vậy, với sự biến chuyển trong khung khổ pháp lý, nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài cần hết sức lưu tâm. Bởi lẽ, hành lang pháp lý mới, chặt chẽ hơn sẽ song hành cùng những yêu cầu khắt khe hơn, đặt nhà đầu tư vào nhiều tình huống mới. Từ đó, trước thời điểm luật có hiệu lực, nhà đầu tư cần nhanh chóng trang bị những kiến thức, thông tin cần thiết để kịp thời xây dựng những phương án đầu tư phù hợp, kiểm soát tốt, nhằm phát triển hiệu quả trong bối cảnh khung khổ pháp lý mới. 

“Luật Đất đai năm 2024 đã có những quy định cụ thể nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, tại Điều 16 Luật Đất đai năm 2024 đã quy định các chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng; giao đất, cho thuê đất đối với đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Nguyễn Văn Hải - Luật sư thành viên Công ty Luật YKVN chia sẻ.

Có thể khẳng định, việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai 2024 sẽ giúp nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045; tạo điều kiện để thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả./.

Đạm Quang Lê