Nhằm hỗ trợ, phổ biến kịp thời các quy định của Luật đất đai năm 2024, Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND và chính sách về tín dụng xanh đến các tổ chức, cá nhân có liên quan tại các Khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) Thành phố; Tạo sự thống nhất, đồng bộ trong việc triển khai thực hiện quy định pháp luật đến các tổ chức, cá nhân có liên quan tại các KCX, KCN trên địa bàn Thành phố; Triển khai chương trình cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế, xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh. Ngày 27/3 vừa qua, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HEPA) phối hợp với Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp Thành phố (HBA), Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức Hội nghị phổ biến các quy định pháp luật mới năm 2024 đến các doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Việt Hà - Phó trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HEPA) chia sẻ: “Luật đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/1/2025 sẽ tác động đến hoạt động của nền kinh tế, chính sách bồi thường, cho thuê đất, phát triển khu công nghiệp liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp. Nắm vững các quy định, các điểm mới trong Luật đất đai 2024 sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt cơ hội đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh của mình”.
“Các quy định điều kiện chặt chẽ hơn trong lĩnh vực đất đai sẽ góp phần hạn chế các vi phạm phát sinh, tạo sự minh bạch, lành mạnh, bền vững cho thị trường đất đai, bất động sản; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng tín dụng. Việc cập nhật, phố biến Luật đất đai 2024 đến các doanh nghiệp rất cần thiết, bởi có như vậy thì doanh nghiệp mới thực hiện đúng, tăng hiệu lực thực thi trong thực tiễn”, ông Đào Xuân Đức - Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp Thành phố (HBA) chia sẻ.
Theo đó, Luật đất đai 2024 được xây dựng trên 6 quan điểm bao gồm:
1. Luật đất đai năm 2024 thể chế hoá đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết số 18/NQ-TW và các Nghị quyết, kết luận của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai.
2. Đảm bảo tính kế thừa, ổn định, phát triển của hệ thống pháp luật về đất đai; sửa đổi bổ sung các quy định chưa phù hợp với thực tiễn,
3. Đảm bảo đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về đất đai với các pháp luật có liên quan; hoàn thiện các chế định để quản lý đất đai theo chức năng là tài nguyên, tài sản, nguồn lực cả về diện tích, chất lượng, không gian sử dụng.
4. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai. Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Mặt trân Tổ quốc, tổ chức chính trị, xã hội các cấp và nhân dân.
5. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, bền vững.
6. Hiện đại hoá, chuyển đổi số công tác quản lý đất đai dựa trên hệ thống thông tin, dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung phục vụ đa mục tiêu kết nối từ Trung ương đến địa phương, quản lý biến động đến từng thửa đất.
Luật sư Nguyễn Thị Huỳnh - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH ATIM cho biết: “Luật đất đai năm 2024 ban hành ngày 18/1/2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với 16 Chương, 260 Điều. Tăng 2 Chương so với Luật đất đai năm 2013, bổ sung 1 Chương về phát triển Quỹ đất. Tách riêng Chương về thu hồi đất, chưng dụng đất và Chương về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Sửa đổi bổ sung 180 Điều, bổ sung mới 78 Điều, bỏ 30 Điều (do gộp 13 Điều, bỏ 13 Điều và tách 4 Điều)”.
Luật đất đai 2024 nhằm các mục đích:
1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật: Hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách pháp luật có liên quan đến đất đai.
2. Tháo gỡ vướng mắc của thực tiễn: Giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất. Tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế.
3. Cân bằng lợi ích các chủ thể trong quan hệ đất đai: Đảm bảo hài hoà quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.
4. Phát triển thị trường bất động sản: Thúc đẩy thương mại hoá quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh.
5. Nâng cao chất lượng quản lý đất đai: Thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai. Phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai.
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Thanh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Ðầu tư Tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) đã có những chia sẻ về chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, bà Phạm Minh Châu - Phó Giám đốc Ban Chính sách sản phẩm bán buôn Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), ông Nguyễn Văn Thủ - Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh 3 tháng 2 (TP. Hồ Chí Minh), ông Nguyễn Cao Minh - Phó Giám đốc Ban khách hàng doanh nghiệp BIDV đã có những chia sẻ thiết thực về chương trình tín dụng xanh của BIDV cho các doanh nghiệp.
Có thể nói, thời gian có hiệu lực của Luật đất đai 2024 không còn nhiều, do vậy các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung cần cập nhật kịp thời các điểm mới so với Luật đất đai 2013, cùng với việc tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi từ HFIC và chương trình tín dụng xanh của BIDV sẽ góp phần cho doanh nghiệp thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình trong năm 2024, tạo tiền đề phát triển cho những năm tiếp theo./.