Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật giúp Nghệ An phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

Sau hơn 9 năm thi hành Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, tỉnh Nghệ An đã thu được nhiều thành quả quan trọng trong việc phòng trừ sâu bệnh, ngăn chặn kịp thời dịch hại, bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về công tác bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật và quản lý thuốc bảo vệ thực vật, góp phần ổn định và phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao đời sống nhân dân.
img-7496-1717062704.JPG
Mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An)

Ngay sau khi Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật được ban hành, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo ngành NN&PTNT tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thi hành pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; triển khai nội dung của Luật và các văn bản hướng dẫn Luật một cách kịp thời, nghiêm túc với nhiều hình thức.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cũng đã cấp và cấp lại 665 Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật cho tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn. Đồng thời, xây dựng 6.735 bể thu gom bao bì, vỏ chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật trên các vùng trồng lúa trên địa bàn tỉnh; tiến hành thu gom, xử lý triệt để được 67,655 tấn bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng trên địa bàn tỉnh.

Các cơ quan chuyên môn (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở NN&PTNT) đã phát hiện sớm, kết luận chính xác, kịp thời xử lý triệt để, ngăn chặn sự xâm nhập, lan rộng của đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát, sinh vật gây hại lạ (bệnh lùn sọc đen hại lúa, chồi cỏ mía, khảm lá sắn, sâu keo mùa thu hại ngô,…). Trong đó, phòng chống sinh vật gây hại thực hiện theo phương châm phòng là chính, áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp sinh vật gây hại theo hướng bền vững và đã góp phần bảo đảm hiệu quả, an toàn cho con người, an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái.

Mặt khác, công tác nghiên cứu khoa học về bảo vệ thực vật thường xuyên được quan tâm. Các cơ quan, đơn vị đã triển khai thực hiện 47 mô hình cộng đồng quản lý bền vững sâu bệnh hại lúa và giảm thiểu nguy cơ nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật cho hơn 1.980 hộ nông dân tham gia; triển khai thực hiện 54 mô hình canh tác lúa bền vững cho hơn 1.890 hộ nông dân tham gia; tổ chức thực hiện 14 mô hình phòng trừ sâu bệnh trên giống cây trồng nhập nội trên diện tích 42 ha cho 420 hộ nông dân là cơ sở cho việc chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh hại trên giống cây trồng nhập nội; tổ chức thực hiện 61 mô hình sản xuất rau theo hướng VietGAP, huấn luyện 2.070 hộ nông dân sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP.

img-7495-1717062697.JPG
Các sản phẩm nông sản được kiểm dịch chặt chẽ trước khi cho xuất khẩu.

Công tác tổ chức thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo theo đúng quy định cũng thường xuyên được thực hiện. Theo đó, Thanh tra Sở NN&PTNT và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tổ chức kiểm tra 1.696 cơ sở về hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật theo quy định của pháp luật, qua đó xử phạt cảnh cáo 391 trường hợp; phạt tiền 144 trường hợp với số tiền 761.247.000 đồng…

Việc thực hiện Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật đã kịp thời phát hiện, hạn chế tối đa thuốc không có trong danh mục, thuốc không có hàm lượng đạt tiêu chuẩn… lưu thông vào sản xuất. Kịp thời ngăn chặn và không để dịch hại thuộc diện kinh doanh thực vật xâm nhập gây hại cho sản xuất trên địa bàn tỉnh; góp phần vào việc đảm bảo chỉ tiêu an ninh lương thực cũng như góp phần vào chỉ tiêu tăng trưởng hàng năm./.

Quốc Cường