Luận về có tài và bất tài

Trang Tử dẫn một đoàn môn sinh lên núi thăm bằng hữu. Đến chỗ rừng sâu heo hút, thấy đám tiều phu đang đốn cây. Trang Tử hỏi: - Vì sao các anh chặt hết mấy cây kia, chỉ lưu lại mỗi một cây to này?
stt-ngam-ve-su-doi-1641254899.jpg
Minh họa

Tiều phu nói: - Cây này xem bề ngoài đẹp đẽ vậy chứ vô dụng lắm, chẳng xài được gì cả!

Trang Tử quay đầu ngó môn sinh bảo: - Cây này nhờ vô dụng (bất tài) mà được lưu lại, các trò phải học theo như vậy!

Đi qua núi, trời sắp sụp tối, Trang Tử dẫn môn sinh đến nghỉ đêm nơi nhà người bạn. Người bạn đã lâu không gặp Trang Tử, mừng rỡ sai con: - Hãy mau giúp cha làm thịt chim đãi khách!

Con cầm dao lên, hỏi cha: - Nhà mình có hai con chim, nên giết con nào?

Người cha bảo: - Tất nhiên là con không biết hót!

Nói xong, người cha mỉm cười bảo Trang Tử: - Con tôi khờ quá, có vậy mà cũng hỏi, con chim không biết hót thì vô dụng quá, giữ lại làm chi?

Trang Tử quay đầu bảo môn sinh: - Con chim được sống là nhờ biết hót (có tài), các trò phải học tập điều này.

Sáng hôm sau, các trò không nhịn được, hỏi Trang Tử: - Thưa thầy, chiều qua vào rừng, thấy cây vô dụng (bất tài) được chừa lại, thầy bảo học nó. Rồi đến lượt con chim, nhờ có tài mà được sống, thầy cũng bảo học nó. Lời thầy dạy thực mâu thuẫn quá, rốt cuộc chúng con phải theo bên nào? - Hữu tài hay bất tài? Hữu dụng hay vô dụng?

Trang Tử cười to, nói: - Các trò phải dùng trí phán đoán, tùy thời mà cư xử, ứng biến chứ! Hễ thấy cần hiển tài thì phô tài, cần vô dụng thì hiện vô dụng. Còn bình thường thì hãy trụ ở giữa hữu và vô, vậy thôi.

Người ta thường nói, dại cũng chết mà khôn cũng chết, biết mới sống. Biết chính là tuệ giác biết tùy lúc tùy thời ứng xử nhịp nhàng. Không trụ, không chấp sống an nhiên, tùy duyên tiếp vật, lợi mình và lợi người v.v… chính là minh triết trong cuộc sống mà mỗi người cần phải thực tập để thành tựu.

Nói điều này ra không phải muốn mọi người sống thực dụng xu thời mà muốn nhắc mọi người rằng muốn làm được việc tốt cũng phải lựa thời thế chứ không phải thích làm gì thì cứ hăng tiết vịt lên là được. Sống ở đời tuy không xu thời nhưng cũng phải biết nhìn trước nhìn sau mà xử thế.

Lời bàn

Dù là người tốt nhưng anh phải có vị trí trong xã hội thì mới giúp người khác được, còn nếu anh cũng chỉ là dân đen thấp cổ bé họng thì nói ai nghe và liệu có ai cho nói. Nói đơn giản nhất là các câu chuyện gần đây: Là nhà báo hay luật sư tuy không phải là cái gì ghê gớm lắm nhưng ít nhiều cũng giúp được cho đời cho dân trong một số lĩnh vực như bênh vực người bị oan hay tố cáo bất công xã hội.

Để còn có thể có điều kiện giúp chút công sức cho đời, cho dân thì anh phải biết nhìn xa trông rộng và nhất là hành xử phải hợp lý. Quan trọng là phải biết mình là ai, ở đâu, đừng ảo tưởng là mình có thể “khuấy nước chọc trời” như một vài luật sư tưởng hay "lấy cán bút làm đòn xoay chế độ" như vài nhà báo nghĩ mà nói bừa, làm bừa được.

Có một số người do không nhận thức được điều này nên phát ngôn, hành động không chừng mực nên bị bắt bài, nhà báo thì bị rút thẻ, luật sư thì bị khai trừ ra khỏi Đoàn. Vậy thử hỏi lúc đó dù trong thâm tâm có muốn giúp đời, giúp dân thì liệu có còn cơ hội không?./.

NB Đỗ Quý Thích ST