Quảng cáo #128

Lợi ích kép khi doanh nghiệp chủ động đầu tư phát triển năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất

Các doanh nghiệp đã chủ động đầu tư phát triển năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất. Giải pháp này vừa mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho doanh nghiệp, vừa góp phần giảm áp lực cung ứng điện theo chính sách khuyến khích của Đảng và Nhà nước nhằm hiện thực hóa mục tiêu giảm mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
nang-luong-tai-tao-2-1730534131.jpg
Nhờ sử dụng năng lượng xanh, doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí vận hành và nâng cao năng lực cạnh tranh. (Ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là nội dung quan trọng trong chính sách phát triển năng lượng của Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, sử dụng năng lượng tiết kiệm là giải pháp ưu tiên. Tuy nhiên, về lâu dài, cần đẩy mạnh phát triển các loại hình năng lượng tái tạo để đạt mục tiêu “kép” là năng lượng xanh và giảm phát thải.

Thời gian qua, Bình Dương là một trong những địa phương tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo nhằm phát triển theo hướng thông minh, bền vững. Tai Tổng công ty Becamex IDC, trong chiến lược phát triển Thành phố thông minh của tỉnh Bình Dương, Becamex IDC đóng vai trò đầu tàu trong việc xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo nền tảng hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ.

Tổng công ty Becamex IDC đã cùng các đối tác VSIP và Tập đoàn Sembcorp, Singapore triển khai Dự án điện mặt trời áp mái tại các Khu công nghiệp Việt Nam-Singpaore (VSIP).

Các tấm pin mặt trời được lắp đặt tại đây dự kiến sẽ cung cấp năng lượng tái tạo và giảm lượng khí carbon thải ra. Nhờ sử dụng năng lượng xanh, doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí vận hành và nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời tiết kiệm chi phí điện năng và góp phần tạo nên một môi trường xanh, bền vững hơn.

nang-luong-tai-tao-1-1730534202.jpg
Thời gian qua, Bình Dương là một trong những địa phương tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo nhằm phát triển theo hướng thông minh, bền vững. (Ảnh minh họa)

Cùng với các dự án VSIP tại Bình Dương, tới đây các dự án điện mặt trời áp mái tương tự sẽ được triển khai tại các dự án của VSIP và Becamex IDC trên toàn quốc. Hệ thống năng lượng mặt trời dựa trên nền tảng công nghệ cao được nối với Trung tâm giám sát hoạt động năng lượng mặt trời của Sembcorp đặt tại Singapore. Nền tảng này cung cấp khả năng hiển thị nâng cao của các thiết bị hoạt động, giúp các nhóm bảo dưỡng, khắc phục sự cố nhanh chóng triển khai khi cần thiết; giúp các thiết bị mặt trời hoạt động mạnh mẽ và đáng tin cậy hơn.

Vừa qua, Becamex IDC đã triển khai dự án hợp tác chuyển đổi năng lượng sạch giữa Trường Đại học Quốc tế Miền Đông với Q-Energy (Vương quốc Anh). Dự án sẽ là một minh chứng lớn cho việc Becamex IDC nói riêng và tỉnh Bình Dương sẵn sàng chuẩn bị cho những chương trình phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; thúc đẩy việc thí điểm những công nghệ mới, đặc biệt trong việc sử dụng những công nghệ về năng lượng tái tạo và phát triển bền vững. Sự thành công của dự án sẽ có ý nghĩa và góp phần giải quyết các thách thức về năng lượng và là cơ hội tốt để thực hiện nỗ lực trong hành trình chuyển dịch năng lượng xanh hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Tại tỉnh Đồng Nai, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Thanh Phong cho biết, tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà của tỉnh lên đến hàng ngàn MW. Trong đó, tiềm năng lớn nhất là hệ thống mái nhà xưởng trong các khu công nghiệp với khoảng 3,5 nghìn MW.

Tới nay, Đồng Nai có 31 khu công nghiệp hoạt động với tổng diện tích hơn 10 nghìn ha; trong đó, diện tích nhà xưởng có thể lắp đặt điện mặt trời hơn 7 nghìn ha.

Nhờ lợi thế này và các chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời của Trung ương và địa phương, tại Đồng Nai đã có gần 6 nghìn hệ thống điện mặt trời được đấu nối vào lưới điện quốc gia, sản lượng điện phát lên lưới chiếm 5% điện thương phẩm toàn tỉnh; trong đó, nhiều hệ thống điện mặt trời vừa phục vụ sản xuất công nghiệp tại chỗ, vừa phát lưới.

nang-luong-tai-tao-3-1730534236.jpg
Tỉnh Đồng Nai có tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà lên đến hàng ngàn MW; trong đó, tiềm năng lớn nhất là hệ thống mái nhà xưởng trong các khu công nghiệp với khoảng 3,5 nghìn MW.(Ảnh minh họa)

Phó giám đốc Sở Công thương Thái Thanh Phong cho biết thêm, Đồng Nai có tiềm năng tốt để phát triển các dự án ĐMT mái nhà. Tại kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh được phân bổ chỉ tiêu nguồn điện này là 229MW, khá khiêm tốn so với tiềm năng và nhu cầu. Nghị quyết về cơ chế, chính sách khuyến khích ĐMT mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ sẽ tháo gỡ vướng mắc cho các dự án lắp đặt, sử dụng tại chỗ mà không bán điện lên lưới.

Ý kiến chuyên gia cho rằng, sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng giá trị sản phẩm và lợi thế cạnh tranh. Dẫn chứng là hiện nay, các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, EU… đã áp dụng chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC) đối với sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia khác. Doanh nghiệp có dự án ĐMT mái nhà phục vụ sản xuất là điều kiện để hàng hóa thâm nhập vào thị trường này. Bên cạnh đó, việc biết cách dùng dự án đầu tư năng lượng tái tạo để truyền thông, xây dựng giá trị thương hiệu sẽ mang thêm lợi ích về xã hội và môi trường cho doanh nghiệp./.

Từ tháng 7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (Nghị định 80). Qua đó, tháo gỡ điểm nghẽn lớn trong việc đầu tư, sử dụng điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối… Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đầu tư vào sản xuất để sử dụng, bán năng lượng tái tạo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định, Việt Nam không thiếu điện. Tuy nhiên, do các yếu tố bất lợi trong nguồn cung nguyên liệu đầu vào, triển khai dự án mới và biến đổi khí hậu nên có nơi, có lúc xảy ra khó khăn trong cung ứng điện.

Trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Chính phủ đặt ra mục tiêu lớn về năng lượng tái tạo trong cơ cấu các nguồn năng lượng.

Bình Nguyên