Liệu công nghệ và đổi mới trong nông nghiệp có thể tiếp sức cho thế giới?

David Green, Giám đốc Điều hành tại Liên minh Bền vững Hoa Kỳ lập luận rằng, công nghệ và sự đổi mới trong nông nghiệp có thể cung cấp đủ lương thực cho thế giới.

Từ trước đến nay đã có rất nhiều ví dụ về nghiên cứu sáng tạo, từ thụ tinh nhân tạo đến cây trồng biến đổi gen. Những lo lắng về sự an toàn hoặc tính độc quyền hoặc làm đảo lộn hiện trạng có thể làm chậm hay cản trở công nghệ hiện đại.

Những nghi ngờ như vậy đặt ra câu hỏi rằng, liệu rủi ro và chi phí của việc không áp dụng nghiên cứu, đổi mới có lớn hơn rủi ro và chi phí của việc áp dụng chúng hay không? Việc này đòi hỏi sự thay đổi trong tư duy của xã hội để giảm thiểu quan điểm cho rằng đổi mới đồng nghĩa với rủi ro.

An toàn là trên hết

Nền nông nghiệp ở Hoa Kỳ có quy mô lớn và công nghiệp, và những người nông dân rất háo hức để nắm bắt những đổi mới hiện đại. Tuy nhiên, 98% trang trại tại đây là trang trại gia đình. Họ chỉ áp dụng công nghệ mới khi họ tin rằng nó an toàn cho bản thân họ, cho gia đình và đất đai và nó tạo ra sự khác biệt theo hướng tích cực.

Đối với ông Brandon Hunnicutt sống tại bang Nebraska, 30 năm đổi mới về các giống hạt chống chịu hạn hán và sâu bệnh đã giúp ông phát triển nhiều hơn. Đối với ông, sự đổi mới chính là chìa khóa cho một tương lai bền vững. Ông chia sẻ: “Tôi bị ấn tượng bởi nhiệm vụ thiết yếu trước mắt là tiếp tục đổi mới để đảm bảo tiếp tục mang lại giá trị bình đẳng cho nông dân và cho thiên nhiên.”

Ông tin rằng, tiến bộ và thành công trong việc giải quyết khủng hoảng khủng hoảng khí hậu nằm ở việc “cùng nhau học hỏi, huy động thêm vốn để hỗ trợ nông dân trong quá trình chuyển đổi và theo đuổi các giải pháp tạo ra thắng lợi cho nông dân, doanh nghiệp, xã hội và hành tinh”.

Từ phòng thí nghiệm đến thực tế

Cũng giống với tầm nhìn của ông Brandon Hunnicutt, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) và các cơ quan của Bộ đã tài trợ cho nghiên cứu để hỗ trợ nông dân Hoa Kỳ đồng thời cung cấp một loạt các dịch vụ tư vấn để giúp biến nghiên cứu này thành hiện thực.

Viện Thực phẩm và Nông nghiệp Quốc gia (NIFA) của USDA không chỉ đầu tư vào nghiên cứu trong các lĩnh vực đa dạng như giống cây trồng và vật nuôi, an toàn sinh học và bảo vệ khí hậu. Viện cũng hỗ trợ các dịch vụ khuyến nông và tư vấn chia sẻ kiến thức thu được từ nghiên cứu này với những người nông dân có thể áp dụng nó vào thực tế.

Đổi mới công nghệ là mục tiêu cấp cao trong chương trình nghị sự của NIFA, thể hiện qua khoản đầu tư gần đây với 4 triệu đô la vào các dự án thúc đẩy nông nghiệp hiện đại và thúc đẩy việc áp dụng nó trong các trang trại nhỏ, bảo tồn và phát huy các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như khám phá năng lượng tái tạo. Các chương trình đổi mới khác của NIFA bao gồm nghiên cứu về các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu với biến đổi của môi trường tốt hơn, nghiên cứu, chẩn đoán, kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh trên gia cầm và gia súc.

Sự hiểu biết của người tiêu dùng là mảnh ghép còn thiếu

Nếu muốn nuôi dân số ngày càng tăng của thế giới mà không làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, các nghiên cứu được tài trợ bởi USDA và NIFA sẽ rất quan trọng. Bên cạnh đó, không kém phần quan trọng là nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng về công nghệ và lý do tại sao người nông dân áp dụng chúng. Ông Monte Peterson, một người nông dân chuyên trồng đậu nành ở bang Bắc Dakota chia sẻ: “Thời gian trôi qua, xã hội ngày càng rời xa các trang trại, đó là nơi mà sự hiểu lầm có thể xuất hiện. Nhưng với tư cách là người tiêu dùng, điều quan trọng là tuân theo khoa học một cách đúng đắn, để tiếp cận với những người hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sản xuất, để tìm hiểu về cách thực phẩm được tạo ra và sản xuất ra.”