Trung du và miền núi Bắc Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế, thuận lợi kết nối giao thương với Trung Quốc và ASEAN.
Trong đó, tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biên mậu, là vùng giàu tài nguyên, khoáng sản.Thuận lợi phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản và hội tụ đầy đủ nhiều tiềm năng du lịch đặc sắc. Đặc biệt, đây là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), lợi thế của vùng vẫn chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Trong đó, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là "vùng trũng" trong phát triển kinh tế và là "lõi nghèo" của cả nước, liên kết vùng còn chưa chặt chẽ.
Do đó, ông Hoàng Quang Phòng khẳng định, liên kết chặt chẽ là khi không chỉ chính quyền mà ngay cả doanh nghiệp cùng chung tay xây dựng một quy hoạch chung cho toàn vùng. Liên kết để hình thành một số cực tăng trưởng và trung tâm kinh tế của Vùng, song hành với phát triển hành lang kinh tế, gắn với hệ thống giao thông kết nối, cùng với đó là gắn tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong vùng, tránh cạnh tranh lẫn nhau bằng mọi giá.
Là một trong những địa phương nằm trong liên kết, ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai, cho rằng một trong những nguyên nhân là do năng lực kết nối giao thông, bao gồm cả trục dọc và trục ngang còn nhiều hạn chế, hạ tầng giao thông ở khu vực này chưa đồng bộ và chỉ nghiêng về giao thông đường bộ, nhưng cũng chưa hoàn chỉnh và chỉ hình thành một số tuyến cao tốc như Nội Bài - Lào Cai hay Hà Nội - Thái Nguyên….
Do vậy, dẫn đến tình trạng các địa phương trong vùng như những người hàng xóm "gần nhà xa ngõ," muốn từ Cao Bằng, Bắc Kạn và Thái Nguyên đến Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ nhanh nhất chỉ có cách đi về Hà Nội rồi quay ngược lại vì thiếu trục giao thông ngang kết nối giữa hai địa phương…. Những điều này đã ảnh hưởng lớn đến cơ hội giao thương, xúc tiến đầu tư của các tỉnh trong vùng.
Từ thực tế, ông kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh việc triển khai các dự án lớn về hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không để thúc đẩy liên kết vùng.
Tương tự, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị các địa phương trong vùng thúc đẩy liên kết khu vực động lực, các chuỗi liên kết, chuỗi sản phẩm. Đồng thời, định hướng liên kết các chuỗi kinh tế, các chuỗi sản phẩm mang tầm quy mô vùng, chú trọng tạo sự liên kết trong phát triển đô thị và nông thôn, gắn với khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu.
Còn tại Tuyên Quang, với tiềm năng thương mại về hấp thụ và lưu giữ cac-bon của rừng, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang kiến nghị, các bộ ngành tham mưu cho Chính phủ sớm có khung khổ pháp lý cho việc phát hành chứng chỉ cac-bon và tham gia thị trường các bon để tỉnh có thêm phần nguồn lợi, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, từ đó phát triển rừng bền vững.