LHQ khuyến cáo về tình trạng biến đổi khí hậu

Một báo cáo mới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), công bố ngày 27/10, cho biết cháy rừng và nạn chặt phá rừng khiến một số khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt nhất trên thế giới đang thải ra lượng khí CO2 nhiều hơn mức hấp thu, theo đó, góp phần gây ra tình trạng biến đổi khí hậu.
bvmt-1024x576-1635418336.png
Liên Hợp Quốc cảnh báo về tình trạng biển đổi khí hậu

Theo báo cáo trên, ít nhất 10 khu rừng được xếp hạng Di sản Thế giới - trong đó có Công viên quốc gia Yosemite ở Mỹ - đã trở thành điểm thải khí CO2 trong vòng hai thập kỷ qua.

Đồng tác giả nghiên cứu trên, ông Tales Carvalho Resende, nhân viên dự án của UNESCO, nhấn mạnh: "Việc ngay cả một số khu rừng được bảo vệ cao nhất, như rừng nằm trong khu vực Di sản Thế giới, cũng góp phần gây biến đổi khí hậu là một thực tế đáng báo động và cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng khẩn cấp về khí hậu".

Rừng vốn được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn biến đổi khí hậu nhờ khả năng hấp thu khí CO2. Cây xanh hấp thu khí CO2 và thải O2, giúp giảm khí gây hiệu ứng nhà kính. Trong nhiều thế kỷ, rừng đã lưu trữ khoảng 13 tỷ tấn CO2.

Các nhà điều tra và chuyên gia nghiên cứu của UNESCO đã kết hợp các dữ liệu vệ tinh với các thiết bị theo dõi trên thực địa và ghi nhận rằng các Di sản Thế giới đã hấp thu 190 triệu tấn CO2 mỗi năm trong 20 năm qua. Theo nghiên cứu trong giai đoạn từ năm 2001-2020, tổng cộng 257 khu rừng đã hấp thu CO2. Nhưng hoạt động của con người như đốn cây rừng và các sự kiện liên quan đến khí hậu như cháy rừng, đang làm giảm khả năng hấp thu khí CO2 của rừng. Ngoài rừng ở Mỹ, các nhà nghiên cứu còn phát hiện các khu rừng đã trở thành nơi thải khí CO2 ở Indonesia (In-đô-nê-xi-a), Australia (Ô-xtrây-li-a), Nga và nhiều nước khác.

Theo báo cáo, mặc dù chỉ có 10 khu rừng được UNESCO bảo vệ đã trở thành nơi thải khí CO2, nhưng xu hướng này đang gia tăng rõ rệt. Ông David Kaimowitz, một trong những người phụ trách về rừng tại Tổ chức Lương - Nông LHQ (FAO), cho biết: "Đây là một dấu hiệu rõ ràng nữa cho thấy ngay cả rừng vốn được cho là an toàn giờ đây đang ngày càng bị đe dọa".