Tại thời điểm chỉ còn vài ngày nữa Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP 26) khai mạc tại Glasgow (Vương quốc Anh), một loạt báo cáo về tình trạng ô nhiễm môi trường và những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu đối với sự sống trên Trái Đất đã đồng loạt được công bố, qua đó gia tăng sức ép buộc các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị này phải có hành động thiết thực để ứng phó, cải thiện tình trạng này.
Ngày 26/10, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (LHQ) công bố Báo cáo Khoảng cách phát thải năm 2021, đề cập đến mức tăng thực tế của nhiệt độ Trái Đất ở thời điểm hiện tại. Cùng với đó, báo cáo nêu ra việc chính quyền các nước trên thế giới thiếu các chỉ đạo hành động chống biến đổi khí hậu cần thiết.
Báo cáo của LHQ chỉ ra rằng khoảng trống trong chính sách cắt giảm khí thải hiện nay là hậu quả từ việc các nước thiếu những chính sách cụ thể trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Phát biểu khi báo cáo trên được công bố, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh cần bắt đầu thu hẹp khoảng trống trong hành động chống biến đổi khí hậu của chính quyền các nước tại COP26, từ đó có thể tạo bước ngoặt chuyển hướng vì tương lai xanh, sạch hơn.
Theo người đứng đầu LHQ, tương lai của nhân loại phụ thuộc vào việc kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức 1,5 độ C vào năm 2030. Nhưng thực tế cho thấy hầu hết các bên tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đều không đảm bảo hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Ông cũng đề cập đến nội dung báo cáo về việc các quốc gia đang phung phí cơ hội lớn để đầu tư các nguồn lực tài chính và phục hồi COVID-19 theo những cách bền vững, tiết kiệm chi phí và cứu lấy hành tinh Xanh. Báo cáo ước tính đến nay chỉ có khoảng 20% các khoản đầu tư phục hồi sẽ hỗ trợ nền kinh tế xanh.
Tổng Thư ký LHQ yêu cầu các nước thực hiện khử carbon ở mọi ngành nghề, từ sản xuất điện đến vận tải, nông-lâm nghiệp theo lộ trình đến năm 2030 đối với các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và 2040 đối với các quốc gia khác.
Cùng với đó, các nước cần chấm dứt tất cả hạng mục đầu tư vào than đá cả ở khu vực công và tư trên quy mô quốc gia và quốc tế; chấm dứt trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch và các ngành công nghiệp gây ô nhiễm; định giá carbon, và chuyển hướng tạo việc làm xanh; và cung cấp ít nhất 100 tỷ USD mỗi năm cho nguồn quỹ ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu dành cho các nước đang phát triển.
Ông Guterres cũng kêu gọi Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới và mới nổi (G20) thể hiện trách nhiệm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nhóm này ước chiếm tới 80% lượng phát thải gây ô nhiễm trên toàn cầu./.