Lễ hội cầu ngư - Nét đẹp văn hoá truyền thống của ngư dân vùng biển Nghệ An

Ngày 17/02 vừa qua, xã Ngọc Bích, huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã tổ chức lễ hội cầu ngư và mở cửa biển năm 2025. Đây là một nét văn hoá truyền thống đã có từ lâu đời tại các vùng biển của Nghệ An được người dân gìn giữ, phát huy và truyền qua nhiều thế hệ. Thông qua lễ hội, ngư dân cầu mong một năm mới mưa thuận gió hoà, ra khơi gặp nhiều may mắn và tôm cá đầy khoang.
img-8860-1739854956.jpg
Người dân cầu mong một năm mưa thuận gió hoà, đánh bắt được nhiều tôm cá.

Một điểm nhấn trong phần lễ là nghi thức thả hoa trên sông Bùng, nối từ cảng cá Đông Lộc ra cửa biển Lạch Vạn. Ngư dân trên 9 tàu thuyền tham gia rước lễ đã thực hiện nghi thức "nhúng giã", mang ý nghĩa khai mở cửa biển, đánh dấu mùa khai thác hải sản mới. Đây là lời cầu chúc cho luồng lạch luôn thông suốt, tàu thuyền ra khơi thuận lợi, đánh bắt bội thu.

Phần hội diễn ra sôi động với các nghi thức rước kiệu, múa lân sư rồng, lễ rước nhúng giã, rước hoa, rước vật phẩm tế lễ... thu hút hàng ngàn người tham gia trên đoạn đường gần 1km.

Các trò chơi dân gian như kéo co, bịt mắt bắt vịt tạo không khí vui tươi, gắn kết cộng đồng. Đặc biệt, phần thi đan lưới giã với sự tham gia của 4 đội đã tái hiện gần 100 năm phát triển của nghề sản xuất ngư lưới cụ, thu hút đông đảo người dân cổ vũ. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trưng bày tranh ảnh về mảnh đất, con người, truyền thống văn hóa, các gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng địa phương, giao lưu văn nghệ giữa 18 xóm trên địa bàn.

img-8859-1739854956.jpg
Ngư dân trên tàu thuyền tham gia rước lễ đã thực hiện nghi thức “nhúng giã” với ý nghĩa khai mở cửa biển, đánh dấu mùa khai thác hải sản của ngư dân.

Xã Ngọc Bích được thành lập sau khi sáp nhập 2 xã Diễn Bích và Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu) là một trong 5 xã ven biển, bãi ngang với diện tích tự nhiên rộng lớn gần 6km2, dân cư đông đúc sinh sống bằng 16 nhóm nghề khác nhau, riêng nghề khai thác hải sản đã có truyền thống gần 100 năm, đóng góp rất quan trọng vào phát triển kinh tế của xã nhà.

Trong những năm qua, nghề khai thác hải sản đã thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành nghề liên quan như sửa chữa, đóng tàu thuyền, chế biến hải sản, đan giã lưới, sản xuất đá lạnh, kinh doanh nhiên liệu… Tất cả tạo nên một cơ cấu ngành nghề đa dạng và đặc trưng cho địa phương.

Ngay sau khi lễ hội kết thúc, bà con ngư dân nhanh chóng trở lại nhịp sống lao động sản xuất, với những con tàu lại tiếp tục ra khơi, không chỉ phát triển kinh tế mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. /.

Quốc Cường