Quảng cáo #128

Lễ dâng hương kỷ niệm 300 năm ngày sinh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại Hưng yên

Ngày 19/12, tại Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, thôn Liêu Xá (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ) Tỉnh ủy Hưng Yên phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Tỉnh ủy Hà Tĩnh tổ chức lễ dâng hương kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-2024).
thay-the-1734626544.jpg
Các đại biểu tham dự lễ dâng hương tại Khu di tích Lê Hữu Trác (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên).

Dự lễ dâng hương có các ông: Nguyễn Quốc Triệu, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế; Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế; Trần Quốc Toản, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố cùng đông đảo Nhân dân.

Tại buổi lễ, các đại biểu thành kính dâng hương tưởng nhớ Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, người đã có công lao to lớn trong việc xây dựng và phát triển nền y học cổ truyền nước nhà, một tấm gương sáng về y đạo, y thuật cho các thế hệ thầy thuốc noi theo. Cầu mong anh linh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác hộ trì cho quốc thái, dân an, đất nước thịnh vượng, đại biểu hứa sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những di sản của Đại danh y để lại, không ngừng phát triển nền y học Việt Nam, cũng như xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

z6147197322549-38e8af47987ec23f6cc9e9968767b576-1734623294.jpg
Các đại biểu dâng hương kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Lê Hữu Trác (1724-1791), quê ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương, nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên). Thân phụ ông là cụ Lê Hữu Mưu (1685-1739), từng đỗ tiến sỹ và làm quan đến chức Hữu thị lang Bộ Công. Thân mẫu là bà Bùi Thị Thưởng, con gái Tướng công Bùi Diệm Đăng, quê ở xứ Bàu Thượng, xã Tình Diệm, huyện Hương Sơn, nay là xã Quang Diệm (Hương Sơn, Hà Tĩnh).

Lê Hữu Trác là người có tư chất thông minh, ông từng đậu Tam trường, sau đó tiến thân bằng con đường binh nghiệp. Tuy nhiên, sau khi xông pha trận mạc, ở môi trường quân ngũ không lâu,  Lê Hữu Trác nhận thấy bản chất thực của chính quyền Đàng Ngoài tuyển quân không phải bảo vệ quốc gia mà để đàn áp khởi nghĩa nông dân. Ông còn nhận thấy sự thối nát, bất công chốn quan trường đã khiến cho xã hội rối loạn, nhân dân lâm vào cảnh lầm than, đổ máu. Xót xa và căm phẫn trước cảnh ngộ trái ngang của thời cuộc  Lê Hữu Trác rời quân ngũ. 

Năm 1746, lấy cớ anh trai mất, ông rời quân ngũ trở về quê ngoại Hương Sơn để phụng dưỡng mẹ già. Tại đây, Lê Hữu Trác đã dành phần đời còn lại chuyên tâm nghiên cứu y thuật, chữa bệnh cứu người. Suốt mấy chục năm hành nghề, Lê Hữu Trác chữa bệnh cho hàng ngàn người khắp mọi miền với đủ thứ bệnh nặng - nhẹ, lạ - quen khác nhau. Tài năng và nhân đức của ông vang danh không chỉ ở Hà Tĩnh mà khắp cả Đàng Trong và Đàng Ngoài.

Người dân được ông chữa trị bệnh đều vô cùng cảm mến và biết ơn vị danh y Lê Hữu Trác tài năng, đức độ. Không chỉ tâm huyết, trách nhiệm trong việc chữa bệnh cứu người, ông còn dành tâm sức, thời gian để dạy dỗ học trò và viết sách để lại cho hậu thế. Lê Hữu Trác đã truyền dạy cho thế hệ sau nhiều thầy thuốc giỏi về y thuật và làm tốt y đạo

z6147167499797-b20b5b8f04ef4c3cc9c0dbcda4608e0d-1734623305.jpg
HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG LÊ HỮU TRÁC
(1724 - 1791)

Sau mấy chục năm tận tụy với nghề nghiệp, Hải Thượng Lãn Ông đã nghiên cứu rất sâu lý luận Trung y qua các sách kinh điển: Nội kinh, Nam kinh, Thương hàn, Kim quỹ; tìm hiểu nền y học Sau mấy chục năm tận tụy với nghề nghiệp, Hải Thượng Lãn Ông đã nghiên cứu rất sâu lý luận Trung y qua các sách kinh điển: Nội kinh, Nam kinh, Thương hàn, Kim quỹ; tìm hiểu nền y học cổ truyền của dân tộc; kết hợp với thực tế chữa bệnh phong phú của mình, ông hệ thống hóa tinh hoa của lý luận Đông y cùng với những sáng tạo đặc biệt qua việc áp dụng lý luận cổ điển vào điều kiện Việt Nam, đúc kết nền y học cổ truyền của dân tộc. Sau hơn chục năm viết nên bộ “Y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển bao gồm đủ các mặt về y học: Y đức, Y lý, Y thuật, Dược, Di dưỡng. Phần quan trọng nữa của bộ sách phản ánh sự nghiệp văn học và tư tưởng của Hải Thượng Lãn Ông.

Lễ dâng hương nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, là dịp tôn vinh Đại danh y suốt đời đóng góp cho nền y học nước nhà, trân trọng những cống hiến của ông và khẳng định kế thừa, bảo tồn và phát triển sự nghiệp mà ông để lại trong công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. 

Tháng 11/2023, phiên họp Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42 ở thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp) đã thông qua nghị quyết phê chuẩn danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024 - 2025”, trong đó có hồ sơ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác./.

Kim Bằng