Xuất khẩu gạo lập đỉnh cả về sản lượng và giá thành
Thông tin từ Bộ NN-PTNT, trong năm 2023 nước ta xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo, giá trị đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4% so với năm 2022. Theo đó, gạo trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ 3 trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ đứng sau gỗ và sản phẩm gỗ, thuỷ sản.
Giá gạo xuất khẩu trong năm vừa qua cũng lập kỷ lục lịch sử khi đạt 663 USD/tấn, đứng đầu trong các quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới.
Gạo Việt Nam xuất khẩu sang hầu khắp các thị trường chủ lực đều tăng mạnh. Trong đó, xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines đạt 1,75 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm ngoái. Đây cũng là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong năm vừa qua. Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc cũng tăng 30,7%, đạt 530 triệu USD.
Đáng chú ý, đơn hàng gạo xuất khẩu sang Indonesia bùng nổ, đạt kim ngạch 640 triệu USD, tăng đột biến 992% so với năm 2022. Theo đó, Indonesia vươn lên thành khách hàng lớn thứ 2 của gạo Việt, chỉ đứng sau Philippines.
Dù là cường quốc xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, thế nhưng trong năm 2023, nước ta cũng chi ra 860 triệu USD để nhập khẩu gạo từ các quốc gia. Trong đó chủ yếu nhập từ Campuchia và Ấn Độ...
Các chuyên gia và doanh nghiệp cho biết, sản xuất lúa gạo của Việt Nam đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đảm bảo an ninh lương thực và dư lượng lớn gạo để xuất khẩu. Tuy nhiên, nước ta vẫn nhập khẩu một số sản phẩm gạo từ các quốc gia để phục vụ nhu cầu sản xuất chế biến và làm thức ăn chăn nuôi.
Theo Bộ NN-PTNT, năm 2023, ngành lúa gạo Việt Nam vẫn xuất siêu gần 3,92 tỷ USD. Nhiều dự báo cho thấy, thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế thời gian tới tiếp tục sôi động, song nguồn cung gạo thiếu hụt so với nhu cầu. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 sẽ neo cao và có thể đạt trên 700 USD/tấn.
Xuất khẩu gạo đầu năm 2024 nhiều biến động
Những ngày đầu năm 2024, giá gạo xuất khẩu trị thị trường thế giới có nhiều biến động. Theo đó, sau phiên điều chỉnh tăng giá ngày 11/1, giá gạo của Thái Lan và Pakistan tiếp tục tăng trong phiên giao dịch ngày 12/1.
Cụ thể, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ở phân khúc 5% tấm, nếu như gạo của Việt Nam và Thái Lan duy trì mốc giá lần lượt là 653 USD/tấn và 645 USD/tấn thì gạo Pakistan tiếp tục ghi nhận tăng phiên thứ 2 liên tiếp. Giá sau điều chỉnh của Pakistan ở mức 617 USD/tấn (tăng 12 USD). Như vậy, trong vòng 2 ngày gạo của Pakistan đã tăng tổng cộng 25 USD/tấn.
Với mức giá hiện nay, gạo 5% tấm của Việt Nam dù vẫn đứng đầu thế giới song khoảng cách với các đối thủ đã rút ngắn lại khi chỉ cách Thái Lan 8 USD và Pakistan 36 USD.
Ở phân khúc 25% tấm biến động trái chiều. Theo đó, gạo Việt Nam giảm 6 USD xuống còn 618 USD/tấn. Đây cũng là phiên thứ 3 liên tiếp loại gạo này giảm với tổng cộng 12 USD. Trong khi đó gạo Thái Lan tăng 3 USD lên mức 581 USD/tấn. Riêng gạo Pakistan đi ngang sau 2 phiên liên tiếp tăng và duy trì mốc 558 USD/tấn (hai phiên trước đó gạo Pakistan đã ghi nhận tăng tới 45 USD/tấn).
Với phân khúc 100% tấm, gạo Việt giữ ổn định ở mức 533 USD/tấn, gạo Thái Lan giảm 1 USD xuống 485 USD/tấn, còn gạo Pakistan tăng 7 USD - lên mức 474 USD/tấn.
Việc giá gạo của Thái Lan và Pakistan tăng liên tục trong mấy ngày qua được các doanh nghiệp lý giải, do nhu cầu nhập khẩu của các nước tăng cao. Cụ thể, cả Philippines và Indonesia đều ghi nhận nhu cầu lớn trong năm 2024.
Trong đó tại Philippines, Tham tán thương mại Việt Nam tại nước này cho biết, nước này nhập 3,5- 4 triệu tấn trong năm nay. Còn tại Indonesia, ngày 11/1 Cơ quan Hậu cần Nhà nước (Bulog) Indonesia cho biết Chính phủ nước này đã đồng ý giao cho Bulog nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm nay. Quyết định được đưa ra nhằm duy trì cân bằng dự trữ gạo (CBP) của chính phủ.
Một nguyên nhân khác được các doanh nghiệp cho rằng có phần tác động đến giá gạo là do cước tàu biển nhảy vọt trong thời gian gần đây./.