Những tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, đã tác động, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng, tiềm ẩn rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế nước ta nói chung, hoạt động thương mại gạo nói riêng. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), với sản lượng lúa dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023.
Theo ước tính của cơ quan liên Bộ, đến hết tháng 7/2023, Việt Nam ước xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng định hướng, gia tăng giá trị cho hạt gạo với các chủng loại như: gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp,… Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm được tiếp tục giữ vững như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Bờ Biển Ngà, Hồng Kông, một số khu vực thị trường ghi nhận tăng trưởng vượt bậc như EU.
Đánh giá về thị trường gạo trong thời gian qua, tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, những tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục có những biến động nhanh, phức tạp, khó lường, đã tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế nước ta nói chung, hoạt động thương mại gạo nói riêng.
Song, dưới sự chỉ đạo, điều hành đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động, sáng tạo triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần mang lại những thành tựu chung của nền kinh tế, trong đó xuất khẩu gạo đạt được những kết quả tích cực.
Theo đó, xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm tăng mạnh cả về sản lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu chuyển dịch tích cực, đúng hướng, giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm gạo Việt Nam. Hầu hết các thị trường xuất khẩu gạo của nước ta đều ghi nhận mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta thời gian qua cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế và những vấn đề đặt ra cần tập trung xem xét, giải quyết.
Cụ thể, thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu tập trung vào một số thị trường truyền thống, trọng điểm; chưa chú trọng khai thác các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng. Công tác quy hoạch vùng trồng và định hướng tổ chức sản xuất lúa/gạo còn hạn chế; chưa thực sự phù hợp với tín hiệu của thị trường. Việc thực hiện liên kết 4 nhà (Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà sản xuất - Nhà Bank) trong sản xuất nông nghiệp chưa tốt, vì vậy vẫn còn tình trạng sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, hiệu quả thấp.
Việc tạo lập, phát triển các cơ chế liên kết, hợp tác giữa các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo với người sản xuất chưa được chú trọng, vì vậy chưa bảo đảm được nguồn hàng ổn định và có chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu.
Đặc biệt, tình hình sản xuất và thương mại lương thực toàn cầu đang diễn biến phức tạp, khó lường do tác động bởi nhiều yếu tố, tình hình địa chính trị, địa kinh tế trong khu vực và thế giới. Giá gạo toàn cầu đã tăng mạnh, đạt mức giá cao nhất trong 11 năm qua, mang lại những cơ hội và thách thức đan xen cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, việc tận dụng thời cơ về giá để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo, khai thác thị trường truyền thống và mở rộng thị trường tiềm năng cần khẩn trương, nhưng gắn với đó phải giữ được thương hiệu gạo đã xây dựng thời gian qua, đồng thời đảm bảo giữ vững an ninh lương thực quốc gia.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, để phát triển thị trường lúa gạo, các địa phương đề xuất cần có các chính sách hỗ trợ vốn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có xây dựng vùng nguyên liệu, có đầu tư kho chứa, nâng cấp, cải thiện dây chuyển máy móc sản xuất. Tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ hợp tác và nông dân tiếp cận máy móc thiết bị, kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch, tăng khả năng và thời gian bảo quản, giảm áp lực cung cầu, chủ động giá bán cạnh tranh.
Đặc biệt, các địa phương cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn, mở rộng, tăng hạn mức tín dụng để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của ngành lúa, gạo với thời hạn và lãi suất hợp lý; linh hoạt áp dụng các hình thức bảo đảm tiền vay; tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay để tạo thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; đồng thời, đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.