Lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp, đặt mình vào vị trí doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn

Sáng nay (3/3), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang đồng chủ trì sự kiện gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu. Đây là dịp để lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp, đặt mình vào vị trí doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Sáng 3/3, tại Hà Nội, Thường trực Chính phủ đã có cuộc gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang đồng chủ trì sự kiện này.

gap-mat-doanh-nghiep-01-1709430509.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu. (Ảnh VGP)

Cuộc gặp mặt này là dịp để lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp, đặt mình vào vị trí doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, với tinh thần mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi người chung tay, góp sức, nỗ lực trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để góp gió thành bão, vượt qua khó khăn.

Thời gian qua, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước được Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành trong thực hiện phát triển kinh tế, xã hội. Với 676 doanh nghiệp, nắm giữ số tài sản trị giá hơn 3,8 triệu tỷ đồng (tính đến đầu năm 2023), doanh nghiệp nhà nước được xác định có vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng từng khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn là điểm tựa, luôn tin tưởng vào doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam sẽ phát triển cùng đất nước, chung tay hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với mục tiêu đưa doanh nghiệp nhà nước thực sự trở thành "lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước" dẫn dắt các thành phần kinh tế khác, sự kiện hôm nay cũng là dịp để tập trung đánh giá tình hình, những thành tựu, đóng góp của doanh nghiệp nhà nước, làm rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tại các doanh nghiệp nhà nước.

gap-mat-doanh-nghiep-03-1709430550.jpg
Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn là điểm tựa, luôn tin tưởng vào doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam sẽ phát triển cùng đất nước. (Ảnh minh họa)

Trước đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 2/2024 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh năm 2024 đã trải qua 2 tháng, trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn diễn biến phức tạp.

Trong nước, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã kết thúc, song phần nào ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh một số ngành, lĩnh vực trong khi thiên tai, biến đổi khí hậu khó lường; rét đậm, rét hại kéo dài…

Thủ tướng Chính phủ biểu dương sau Tết, các bộ, cơ quan, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty khẩn trương bắt tay vào công việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên, tạo khí thế mới, động lực mới để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đặt ra trong năm 2024; biểu dương các bộ đã thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, cử các tổ công tác xuống cơ sở nắm bắt, xử lý, tháo gỡ các khó khăn nảy sinh, thể hiện Chính phủ gần với chính quyền địa phương, cơ sở.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ, các đại biểu thảo luận kỹ, phân tích tình hình, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội tháng 3 và thời gian tới, phù hợp với nhiệm vụ đặt ra trong 6 tháng đầu năm và cả năm 2024 - năm của tăng tốc để thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Các thành viên Chính phủ, các đại biểu tập trung đánh giá về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; tình hình kinh tế vĩ mô, lạm phát, tăng trưởng, các cân đối lớn; tình hình an sinh xã hội; công tác đảm bảo an ninh trật tự, quốc phòng, an ninh; phòng chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng hệ thống chính trị; công tác đối ngoại…

gap-mat-doanh-nghiep-02-1709430592.jpg
Nhờ cơ chế thông thoáng, nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới có ý định đầu tư vào Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Thủ tướng lưu ý thúc đẩy mạnh Chuyển đổi Số, Chuyển đổi Xanh, Kinh tế Tuần hoàn, Kinh tế Chia sẻ, Kinh tế Tri thức; tiếp tục làm mới các động lực cũ như ưu tiên cho tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.

Đặc biệt, trong bối cảnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang giữ xu thế tăng, nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới có ý định đầu tư vào Việt Nam, Chính phủ, các bộ, ngành cần nghiên cứu, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp, tranh thủ cơ hội đón và “giữ chân” các nhà đầu tư.

Với tinh thần khẩn trương, có trọng tâm, trọng điểm, Thủ tướng nhấn mạnh phiên họp cần chỉ ra các bài học kinh nghiệm, các đột phá, động lực mới cho thời gian tới./.

Trọng Bình