Làn sóng tích cực cho thị trường bất động sản Việt Nam trong bối cảnh mới

Theo các chuyên gia, việc Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) năm 2023. Luật Nhà ở (sửa đổi) năm 2023 và đầu năm 2024, Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024, thị trường bất động sản có cơ sở để kỳ vọng vào một viễn cảnh phục hồi theo hướng bền vững hơn, khi khung pháp lý quan trọng được mở ra với nhiều quy định và cơ chế chính sách tác động đến thị trường và các chủ thể tham gia trên thị trường bất động sản.
thi-truong-1-1728753506.jpg
GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu tại hội thảo "Thị trường bất động sản Việt Nam trong bối cảnh sửa đổi Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh Bất động sản".

Từ năm 2024, thị trường bất động sản được kỳ vọng mở ra một trang mới với nhịp phục hồi tích cực khi có sự thay đổi của các đạo luật quan trọng khi  tháng 11/2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) năm 2023. Luật Nhà ở (sửa đổi) năm 2023 và đầu năm 2024, Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 cũng đã được thông qua và sớm có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 đã góp phần hoàn thiện những mảnh ghép cuối cùng trong bức tranh pháp lý cho thị trường bất động sản.

Tại hội thảo "Thị trường bất động sản Việt Nam trong bối cảnh sửa đổi Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh Bất động sản", GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, thị trường bất động sản có cơ sở để kỳ vọng vào một viễn cảnh phục hồi theo hướng bền vững hơn, khi khung pháp lý quan trọng được mở ra với nhiều quy định và cơ chế chính sách tác động đến thị trường và các chủ thể tham gia.

Làm rõ những biến chuyển về thị trường bất động sản và dự báo diễn biến thị trường thời gian tới, GS.TS Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chỉ rõ số lượng dự án chung cư, nhà ở xã hội, số sản phẩm mới được triển khai vừa qua rất khiêm tốn. Điều này có thể kéo theo tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở thời gian tới. "Thị trường hiện nay đang mất cân đối cung cầu ở một số phân khúc", ông Cường đánh giá.

Trong bối cảnh nguồn cung sản phẩm trên thị trường yếu, cầu lớn, giá Hà Nội có xu hướng tăng nhanh. Trong khi đó, tại các tỉnh khu vực phía Nam, trong đó có TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-3024, gần như nhu cầu không tăng, giá các phân khúc không tăng, riêng nhà chung cư vẫn duy trì mức tăng khoảng 6%.

Dự báo kịch bản tăng trưởng thị trường bất động sản thời gian tới, GS.TS Hoàng Văn Cường nêu bật nhiều yếu tố, trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hoá nhanh khiến cầu bất động sản dự báo tiếp tục tăng. Bởi bất động sản tập trung tại nhiều đô thị lớn, với nhu cầu sôi động. Dự báo tiến trình đô thị hoá tăng nhanh đương nhiên cầu tăng.

Về môi trường tạo điều kiện cho sự phát triển thị trường bất động sản, ông Cường đặt kỳ vọng vào nhiều đạo luật mới được ban hành, khung pháp lý mới sẽ khơi thông tình trạng ách tắc thủ tục thời gian qua. Hơn nữa, các tỉnh, thành phố những năm qua tập trung cao độ xây dựng quy hoạch địa phương và đô thị, từ đó, tạo không gian phát triển mới.

dji0529-16931352282521262234482-1728753507.jpg
Làn sóng tích cực cho thị trường bất động sản Việt Nam trong bối mới. (Ảnh minh họa)

Còn theo TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, đã có những tác động ban đầu của bộ luật mới. Không chỉ các doanh nghiệp mà ngay cả chính quyền các địa phương đều đang rất hào hứng và chủ động tìm hiểu, cập nhật những quy định mới của luật.

TS. Nguyễn Văn Đính cho biết, việc luật có hiệu lực sớm hơn dự kiến đã tạo ra một "làn sóng" tích cực, thúc đẩy các doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận và áp dụng những điểm mới của luật vào hoạt động kinh doanh. Sự quan tâm và nỗ lực này từ cả phía doanh nghiệp và chính quyền địa phương cho thấy mọi người đều đang kỳ vọng vào những chuyển biến tích cực mà bộ luật mới mang lại cho thị trường bất động sản.

Đối với việc triển khai các Luật vào thực tiễn, ông Đính cho rằng, các Luật khó thẩm thấu nhanh vào cuộc sống, cần có độ trễ để các cơ quan, địa phương tìm hiểu, phổ biến khung pháp lý mới.

Đánh giá cao những tác động tích cực từ các bộ luật mới, ông Nguyễn Đắc Nhẫn- Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Đồng thời với việc kế thừa, sửa đổi, bổ sung các điều, khoản của Luật Đất đai năm 2013, Luật Đất đai năm 2024 đã bổ sung các điều, khoản (quy định) mới từ việc nghiên cứu luật hóa các quy định pháp luật về đất đai trong các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013 và thể chế hóa các vấn đề đã “chín”, đã rõ, đã được thí điểm thực hiện và được thực tế chứng minh là đúng, là phù hợp.

Do vậy, Luật Đất đai năm 2024 được hoàn thiện với nhiều nội dung đổi mới quan trọng, trong đó Luật đã bổ sung quy định về sử dụng đất kết hợp đa mục đích; bổ sung, hoàn thiện hơn các quy định về chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư, tạo khung pháp lý về quản lý, sử dụng đất đầy đủ, toàn diện hơn nhằm khơi thông, giải phóng nguồn lực đất đai, góp phần quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất trong giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái. Đây cũng là động lực thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững như kỳ vọng và mong muốn của Nhà nước và mỗi người dân./.

Hương Lan