Tình hình kinh tế khó khăn, cạnh tranh ngày càng khốc liệt là những lý do chính đẩy làn sóng sa thải nhân viên tại Mỹ lên cao từ cuối năm 2022 và kéo sang đầu năm nay.
Nạn nhân tiếp theo trong đợt cắt giảm lực lượng lao động hàng loạt lần này là Zoom. Theo Neowin, Zoom vừa thông báo công ty sẽ sa thải 1.300 nhân viên, tức khoảng 15% tổng lực lượng lao động của hãng. Đây là tin tức mới nhất về tình trạng sa thải lao động hàng loạt trong ngành công nghệ thời gian qua.
Theo một bài đăng trên blog, CEO Eric Yuan của Zoom lưu ý rằng trong 24 tháng qua, công ty đã tăng cường gấp ba lần đội ngũ nhân viên so với trước đây, kể từ thời điểm hàng loạt công ty trên thế giới bắt đầu sử dụng các phần mềm hội họp trực tuyến như một giải pháp làm việc trong thời kì đại dịch.
Các cuộc gọi Zoom trong thời điểm này đã trở thành một phần không thể thiếu đối với các nhân viên làm việc từ xa trên khắp thế giới. Tuy nhiên, mối đe dọa của đại dịch đã giảm dần và nhiều nhân viên đang quay trở lại văn phòng làm việc của họ. Yuan tuyên bố rằng mặc dù nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng Zoom, nhưng do hiện tại tình hình kinh tế gặp nhiều khủng hoảng đã khiến công ty buộc phải thực hiện tái cơ cấu đội ngũ nhân viên để vượt qua những thử thách.
Những nhân viên Zoom ở Mỹ bị thôi việc sẽ nhận được 16 tuần tiền lương và bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, cùng với toàn bộ khoản tiền thưởng, cũng như quyền chọn mua cổ phiếu trong 6 tháng, … Bản thân CEO Yuan cũng sẽ bị cắt giảm 98% tiền lương và không nhận được bất kỳ khoản tiền thưởng nào trong năm nay.
Làn sóng sa thải không chỉ ở các công ty công nghệ, mà đã lan sang cả các ngành kinh tế chủ chốt như hãng công nghiệp 3M, công ty vật liệu Dow…Theo Bloomberg, ngay đầu tuần cũng đưa loạt tin về việc Meta (thuộc Facebook) ra tối hậu thư cho nhân viên, hãng máy bay Boeing cắt giảm 2.000 vị trí…
Trang này cho biết robot hay trí tuệ nhân tạo cũng là một phần lý do. Khảo sát của hãng Capterra với giám đốc nhân sự của các công ty công nghệ, 98% cho rằng họ dựa ít nhiều vào phần mềm hay thuật toán để cắt giảm nhân viên nhằm đối phó với suy thoái. Đó là điều hoàn toàn dễ hiểu khi trí tuệ nhân tạo đang chiếm lĩnh ngày càng nhiều lĩnh vực của cuộc sống.
Tạp chí Forbes viết: "Quên việc sa thải qua Zoom đi, bây giờ email mới là công cụ chính của các hãng công nghệ". Bài báo kể về rất nhiều người, trong đó có Noshab, làm việc tới 3h sáng, đến 5h nhận được email sa thải. Một số cựu nhân sự của Google còn cho biết không có cuộc họp nào về nhân sự trước đó. Họ mất quyền truy cập vào hệ thống nội bộ ngay khi thư cho nghỉ việc được gửi đi.
Nhật báo phố Wall lý giải, vì COVID-19, các công cụ như email trở thành nền tảng giao tiếp chính giữa công ty và nhân công, nên email sa thải không ngoại lệ. Các nhà quản lý ưa dùng nó vì tốc độ sa thải nhanh, trong khi không phải đối diện với người lao động. Còn với nhân viên, một số cũng ủng hộ phương pháp này vì email vẫn kiểu "giấy trắng mực đen" và thêm phần riêng tư. Tuy nhiên vẫn có tới 67% ủng hộ gặp trực tiếp.
Phía các công ty bổ sung là họ phải sa thải đột ngột để tránh những phá hoại (nếu có) của nhân viên này với hệ thống nội bộ. Tuy nhiên Thời báo New York cho rằng, về mặt pháp lý, họ đã được bảo vệ khỏi việc trả thù, hay tội phạm kiểu này.
Vì vậy, với những nhân viên tốt bị nghỉ do khách quan thì việc đối thoại cũng tốt cho chính các công ty. Nó vừa thể hiện sự tôn trọng với nhân sự vừa để lại tiếng tốt cho việc tuyển dụng sau này, đặc biệt khi lao động ngày càng khan hiếm.
Còn các công ty, khi sa thải họ đều đã tuân thủ luật về hình thức, lý do sa thải và đặc biệt là chế độ cho người lao động.