Lạm phát tại Tokyo cao kỷ lục trong tháng 1/2023

Giá tiêu dùng cơ bản tại Tokyo đã tăng 4,3% trong tháng 1/2023 so với một năm trước, vượt mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trong tháng thứ tám liên tiếp. Nguyên nhân đẩy lạm phát tại Tokyo gia tăng là mặt hàng thực phẩm đã tăng 7,4%.

Mới đây, Bộ Nội vụ, Thông tin và Truyền thông Nhật Bản (MIC) công bố báo cáo cho thấy lạm phát tại 23 quận của thủ đô Tokyo trong tháng 1/2023 (không tính mặt hàng tươi sống) đã tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2022, ghi nhận mức cao kỷ lục trong hơn 41 năm, kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ 2 năm 1981.

Các nhà kinh tế cho biết nguyên nhân chủ yếu là giá thực phẩm và nhiên liệu tăng. Tình trạng này có thể sẽ khiến Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) buộc phải gỡ dần các gói kích thích kinh tế khổng lồ.

6e14b6190c29d8cdd3e49d4ba3d6aa53-1674920187.jpeg

Nguyên nhân đẩy lạm phát tại Tokyo gia tăng là mặt hàng thực phẩm đã tăng 7,4%. (Ảnh minh hoạ)

Cụ thể, nguyên nhân đẩy lạm phát tại Tokyo gia tăng là mặt hàng thực phẩm đã tăng 7,4%. Các mặt hàng ghi nhận mức tăng cao là dầu ăn (36,3%), cá nướng (29%), bánh mì hamburger (18,3%), bánh mì nhân đậu đỏ (16,6%), nước có ga (15,8%), thịt bò nhập khẩu (15,8%), sữa tươi (9,4%). Đối với mặt hàng năng lượng, giá gas ghi nhận mức tăng 39%, trong khi giá điện cũng ghi nhận mức tăng tới 24,6%.

Theo MIC, ngoài giá thực phẩm tiếp tục tăng, tỷ lệ tăng giá gas tại Tokyo tiếp tục ghi nhận ở mức cao và gây ảnh hưởng lớn đến chi tiêu của các hộ gia đình.

Chỉ số giá tiêu dùng tại Tokyo là dữ liệu quan trọng để dự báo lạm phát trên toàn Nhật Bản. Theo chuyên gia Mari Iwashita thuộc trung tâm chứng khoán Daiwa, trên cơ sở báo cáo của MIC, khả năng lạm phát tại Nhật Bản trong tháng 1/2023 sẽ tăng lên mức 4,2%.

Chính sách kiểm soát giá điện của Chính phủ Nhật Bản sẽ bắt đầu phát huy hiệu quả kể từ tháng 2/2023, do đó, tỷ lệ lạm phát tại Nhật Bản có thể tăng chậm lại. Tuy nhiên, cũng có thể thấy rằng việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) điều chỉnh dự báo lạm phát từ 2,9% lên 3,0% và các doanh nghiệp đang cho thấy động thái tăng giá hàng hóa do giá nguyên liệu đầu vào tăng khiến lạm phát tại Nhật Bản sẽ còn tăng tiếp trong thời gian tới.

Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 4/2023, đã nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng cho đến khi tiền lương tăng nhiều hơn, biến lạm phát do chi phí tăng thành lạm phát do cầu tiêu dùng trong nước tăng mạnh.

Thi Nguyên (t/h)