Gặp lại những người bạn cũ ở ToKyo

Sojitz, một tập đoàn lớn của Nhật đã mời tôi đi thăm Nhật Bản, để gặp lại những người bạn cũ mà tôi đã từng làm việc cùng họ trong thời kỳ đương chức. Gần 3 năm không trở lại Nhật Bản vì COVID-19. Hôm nay, 26/9 tôi đã trở lại đất nước mặt trời mọc, Tokyo vẫn như xưa, nhưng cảnh tượng ở sân bay có khác. Sân bay không đông đúc như trước, mọi người phải đi vòng vèo để giữ cự ly khi đi qua kiểm dịch, vẫn phải kiểm tra nhiệt độ nên thủ tục nhập cảnh chậm chạp hơn.
310092863-2159614574211327-1203936790671476610-n-1664772771.jpg
Chụp ảnh với những người bạn Nhật Bản

Người Nhật vẫn kiểm soát dịch rất chặt chẽ, mọi người phải đeo khẩu trang và kiểm tra nhiệt độ khi vào chỗ đông người. Tối 26/9, gặp Đại sứ Hattori Norio. Lần này gặp tôi, ông đón tiếp tôi khác với lần gặp trước vào tháng 11/2019. Lần trước với cái bắt tay và nụ cười tôi thường thấy trước đây, khi còn là đại sứ ở Việt Nam. Lần này thì vừa gặp đã ôm lấy tôi rồi nói:

- Ba năm rồi không được gặp ai, không được đi đâu, tôi rất buồn, tôi rất ít bạn bè ở Nhật Bản. Cả đời làm ngoại giao, chỉ ở nước ngoài. Bạn bè tôi là ở nước ngoài, phần lớn là ở Việt Nam. Gặp lại anh tôi vui quá. Đây là ngày vui nhất của tôi trong 3 năm qua! Tôi nhớ anh rất nhiều! Khi đã yên chỗ, Hattori nhìn hai vợ chồng tôi rất thân thiết, rồi cười nói: - Ông thì vẫn thế, bà thì trẻ ra, nhìn trẻ hơn trước, trẻ quá, nhìn như bố dẫn con đi chơi! Mọi người cùng cười.

Chúng tôi cùng nhau nói nhiều về những câu chuyện cũ, chuyện về những ngày đầu làm việc cùng nhau từ năm 1993, chuyện những ngày ông ấy làm đại sứ tại Việt Nam. Chuyện di dời nhà máy điện dự kiến đặt ở Ninh Bình. Chuyện về các cuộc họp mà tôi và ông ấy cùng tham gia, hoặc đồng chủ trì, như Hội nghị Tài trợ, họp bàn về Sáng kiến chung Nhật Việt. Chúng tôi nói về các chuyến đi lên các tỉnh miền núi phía Bắc, vào các tỉnh miền Trung, vào đồng bằng Sông Cửu Long. Ông Hattori lại nhắc về vụ sập nhịp cầu dẫn của cầu Cần Thơ. Đại sứ nói:

- Hôm nay là ngày kỷ niệm 15 năm xẩy ra vụ việc, tôi không muốn quy trách nhiệm cho ai. Đây là một tai họa đau thương chung. Hơn 50 người đã mất, thật là đau lòng. Đến nay tôi vẫn còn nhớ mãi khi nhận được tin về tai họa thảm thương đó! Nói đến đây ông ấy đã đi ra ngoài để lau đi những giọt nước mắt! Một con người xưa có vẻ lạnh lùng, về già lại giàu cảm xúc! Tôi chuyển chủ đề buổi nói chuyện, nói về chuyện thời nay. Chuyện Việt Nam, chuyện Nhật Bản, chuyện dịch COVID 19, chuyện đám tang ông Abe Shinzo vào ngày mai.

Đại sứ Hatttori nói: - Nhân sang dự lễ tang, Ông Nguyễn Xuân Phúc hôm nay có tổ chức buổi gặp mặt với các Đại sứ Nhật Bản đã làm việc tại Việt Nam. Tôi không đến dự. Ông Nguyễn Xuân Phúc đã gọi điện cho tôi hỏi vì sao tôi không đến, tôi đã trả lời là gặp nhiều người một lúc như vậy thì biết nói gì? Ông ấy đã hẹn gặp tôi vào sáng ngày 28/9. Ngày kìa tôi sẽ gặp ông Phúc. Tôi biết ông Nguyễn Xuân Phúc từ ngày ông ấy còn là chủ tịch tỉnh Quảng Nam. Khi ông ấy làm Thủ tướng, mỗi lần sang Việt Nam tôi vẫn gặp ông ấy. Từ khi có dịch đến nay thì không gặp nữa. Tôi muốn gặp riêng ông Nguyễn Xuân Phúc để nói chuyện.

Ông bạn già của tôi vẫn giữ tính cách xưa! Chia tay ra về, Hattori đã nói: - Đây là ngày tôi vui nhất trong 3 năm qua. Thời gian qua tôi sống rất buồn, Nhật Bản đóng cửa vì dịch. Các bạn Việt Nam không sang. Tôi không đi Việt Nam. Tôi không gặp ai cả. Tôi không có bạn ở Tokyo, tôi có nhiều bạn ở Việt Nam. Anh hãy giữ gìn sức khỏe để còn thắng tôi trong cuộc đua của chúng ta! Hattori muốn nhắc tới cuộc đua của chúng tôi, cuộc đua giữ gìn sức khỏe, ai sống lâu hơn!

Tối 28/9 tôi gặp ông Takebe Tsutomu, nguyên Tổng thư ký Đảng Dân chủ Tự do, Đảng cầm quyền, nguyên chủ tịch Liên mình Nghị sĩ Hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam. Tôi gặp ông Takebe lần đầu tiên khi ông tham gia đoàn của ông Watanabe Michio thăm Việt Nam tháng 5/1990, khi ông ấy mới bước vào con đường chính trị được 4 năm, lúc đó mới 49 tuổi, tôi còn là vụ phó của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, 45 tuổi. Từ đó đến nay đã gặp và làm việc với nhau nhiều lần. Ông đã có đóng góp to lớn trong việc thúc đẩy nguồn vốn ODA và vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam. Khi xảy ra vụ án tham nhũng ở dự án do Công ty PCI thực hiện, Chính phủ Nhật Bản ngừng các dự án viện trợ cho Việt Nam, ông Takebe đã cùng chúng tôi tìm mọi giải pháp để xử lý hậu quả để sớm nói lại viện trợ cho Việt Nam. Nay tuổi ông đã ngoài 80, tôi thì U80, cả hai đều ở cái tuổi đang gần trở về với người thiên cổ!

Người già gặp nhau rất vui khi kể lại những câu chuyện cũ. Ông Takebe đã kề lại chuyện những ngày đầu đến Việt Nam, gặp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười. Rồi chuyện tham gia đoàn Đại biểu Đảng Dân chủ Tự do dự Đại hội 8 Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1996, đây là lần đầu tiên ông tham dự Đại hội của một Đảng cộng sản. Chuyện về các chuyến đi Việt Nam sau đó. Chuyện về vận động viện trợ và đầu tư vào Việt Nam trong thời gian đầu của đổi mới. Tôi thì kể về các chuyến đi Nhật Bản, những kỷ niệm về những người bạn Nhật, có những người bạn nay đã mất. Nói đến những người đã mất, ông Takebe lại nhắc đến việc ngày hôm qua, 26/9 là ngày kỷ niệm 15 năm vụ tai nạn sập nhịp cầu dẫn của cầu Cần Thơ, và tỏ lòng thương tiếc với những người đã mất! Một tai nạn lớn trong một dự án viện trợ của Nhật Bản!

Rượu càng uống, chuyện càng say, chúng tôi nói chuyện về Nhật Bản, chuyện về Việt Nam. Hết chuyện chung lại kể về chuyện riêng. Có nhiều chuyện ông Takebe kể, ngay cả mấy người bạn Nhật gần gũi với ông Takebe cũng bây giờ mới biết.

Ông Takebe kể: - Năm 1986, tôi trúng cử Hạ nghị sĩ lần đầu tiên, tôi thuộc phái Nakasone, thuộc hàng đệ tử của ông Watanabe Michio. Khi trúng cử Hạ nghị sĩ, người ta phân cho tôi một căn phòng làm việc nhỏ tại toà nhà làm việc của các hạ nghị sĩ trong khu nhà của Quốc Hội Nhật Bản, phòng số 725. Phòng này trước đây là của một hạ nghị sĩ, vừa mới bị đột tử ngay tại phòng. Phòng trống chỗ, người ta phân cho tôi về đó. Tôi ngần ngại không muốn nhận.

Ông Watanabe Michio nói với tôi, cứ nhận đi, ông ấy có người ông làm nghề thầy pháp, biết cúng yểm trừ tà ma sẽ đến cúng giúp. Ông ấy đến cúng giúp xong, tôi mới nhận phòng. Căn phòng của tôi lại ở giữa phòng 724 của ông Watanabe Michio, là sư phụ của tôi và phòng 726 của ông Obuchi Keizo. Ông Obuchi là lớp đàn anh, hơn tôi 4 tuổi, nhưng lại thuộc phái khác trong Đảng, phái Tanaka. Ở giữa hai phòng đó nên tôi không bao giờ dám về sớm hơn họ.

Hai phòng bên tắt đèn một lúc tôi mới ra về! Tôi và ông Obuchi tuy khác phái nhưng khi thảo luận về chính sách với Việt Nam lại rất thống nhất với nhau. Chúng tôi vẫn sang phòng nhau nói chuyện về Việt Nam. Từ đó, chúng tôi trở nên thân thiết. Tất cả các phái trong Đảng Dân chủ Tự do đều thống nhất trong chính sách với Việt Nam. Khi nói về Việt Nam, mọi người lại gắn kết với nhau hơn!

Rồi ông nói nhiều về việc làm cho các thế hệ tiếp theo hiểu biết hơn về tầm quan trọng chiến lược của quan hệ hợp tác Nhật Việt. Các con ông, những người theo bước ông trên con đường chính trị cũng đã đi Việt Nam nhiều lần và rất yêu mến Việt Nam. Mọi người đều say sưa nói, chuyện vui quên cả thời gian. Đến 10 giờ đêm mới tan cuộc. Bữa cơm tối kéo dài 4 giờ.

Ông Takebe Tsutomu từ ngày nghỉ hưu vẫn làm cố vấn đặc biệt cho ông Nikai, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật Việt. Ông vẫn qua lại Việt Nam nhiều lần. Ông là người đã vận động để thành lập và phát triển Trường Đại học Nhật Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đang vận động để xây dựng một trường như vậy ở phía Bắc. Tích cực vận động doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Bất chấp tuổi tác, ông vẫn luôn luôn hoạt động vì sự phát triển của Việt Nam! Trước khi chia tay, ông hẹn tôi đến giữa tháng mười lại gặp nhau tại Hà Nội!

Hôm nay, 30/9 gặp lại ông Hayama, cựu chủ tịch Tập đoàn Taisei, một tập đoàn xây dựng hàng đầu của Nhật bản. Tôi biết ông Hayama vào cuối năm 1993, khi Taisei trúng thầu dự án đầu tiên được thực hiện bằng vốn vay từ Quỹ Hợp tác Kinh tế Hải ngoại (OECF) của Nhật Bản, dự án nâng cấp Quốc lộ 5. Sau dự án đó, Taisei đã trúng thầu nhiều dự án giao thông khác được thực hiện bằng vốn vay ưu đãi từ Nhật Bản, trong đó có dự án cầu Cần Thơ.

Sau sự cố ngày 26/9/2007 sập nhịp cầu dẫn khi đang thi công cầu Cần Thơ ông đã xin từ chức và về nghỉ hưu. Từ đó, vào cuối tháng 9 hàng năm ông lại sang Việt Nam, đúng ngày 26/9 về Cần Thơ thắp hương cho những người bị nạn. Lần đi thắp hương cuối cùng của ông là tháng 9/2019. Mỗi lần sang Việt Nam, ông Hayama đều gặp tôi như muốn trình bày lại kết quả chuyến đi, kể cả khi tôi đã nghỉ hưu. Từ năm 2020 đến nay, do dịch covid ông không sang được. Hôm nay tôi gặp lại ông ở Tokyo.

Vừa mới vào buổi gặp, ông Hayama đã nói ngay: - Hai năm nay dịch bệnh, tôi không sang Việt Nam được, không đến thăm cầu Cần Thơ, không đến thắp hương cho những người đã khuất. Sắp tới đây Chính phủ Nhật sẽ thực hiện chính sách trở lại cuộc sống bình thường, tôi dự định tháng 11/2022 sẽ sang Việt Nam, đến thăm cầu Cần Thơ, thắp hương cho những người đã khuất. Năm nay tôi cũng đã 86 tuổi, tuổi già sức yếu, chắc đây là năm cuối cùng đi Việt Nam. Những năm sau nếu còn sức khỏe thì lại đi, không muốn nói trước, mọi sự tính sau. Ông cũng nói, mong cho Taisei tiếp tục phát triển ở Việt Nam, ngoài xây dựng sẽ phát triển sang sản xuất vật liệu. Taisei đã thành lập công ty Taisei Rotex ở Việt Nam, mong rằng công ty sẽ phát triển, có đóng góp cho quan hệ hai nước.

Tôi động viên ông: - Ông có tình với những người đã khuất như vậy cũng được 15 năm rồi. Người mất cũng đã mất, tình cảm đền đáp mong rằng những người đã khuất cũng hiểu. Tuổi già đi lại khó khăn, mọi việc để cho lớp sau lo liệu. Tôi cũng mong Taisei Rotex lại tiếp tục phát triển ở Việt Nam. Già trẻ chúng ta cùng hướng tới vun đắp cho quan hệ hai nước. Người Việt Nam thường nói: Tre già măng mọc, lo gì!

Tôi hẹn giữa tháng 11/2022 gặp lại ông tại Hà Nội, sau khi ông từ Cần Thơ ra. Qua làm việc nhiều với những người bạn Nhật Bản, mới thấy ở họ có một đức tính quý báu: Không bao giờ tự khen mình và hài lòng với thành tích của mình, còn sai lầm và thất bại thì nhớ mãi và nhắc lại nhiều lần. Với người Nhật, khi ai đó khen họ một việc gì, câu trả lời là: “Chúng tôi còn phải cố gắng nhiều hơn!” Những danh xưng như Con rồng Châu Á, Sự Thần kỳ Nhật Bản chỉ có người nước ngoài nói về nước Nhật. Người Nhật không tự nhận mình như thế. Nhưng tai nạn Cầu Cần Thơ thì những người Nhật liên quan còn nhớ mãi và nhắc lại nhiều lần. Mấy người bạn Nhật thân thiết nói với tôi: - Thành công thì ai cũng muốn, đó là việc mọi người đều phải làm và là điều đương nhiên. Sai lầm và thất bại thì không ai muốn, chúng tôi phải nhớ mãi và nhắc lại nhiều lần để không bao giờ mắc lại!./.

Võ Hồng Phúc