Khu vực thuộc Dự án hồ chứa nước Ta Hoét, xã Hiệp An, Đức Trọng dù chưa được triển khai thi công mở rộng nhưng thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng phá rừng chiếm đất để đón đầu xu hướng du lịch nghỉ dưỡng ven hồ. Theo người dân thôn K’Rèn, xã Hiệp An, các đối tượng lạ mặt thường xuất hiện vào ban đêm để cưa hạ rừng thông. Họ không lấy gỗ mà để nguyên tại hiện trường rồi nhanh chóng trồng thêm cây ăn trái xung quanh nhằm chiếm đất.
Khu vực rừng bị hủy hoại thuộc khoảnh 7, Tiểu khu 267C, xã Hiệp An (Đức Trọng) là vành đai xung quanh hồ chứa nước Ta Hoét. Trong đợt kiểm tra mới đây, cơ quan chức năng xác định có 7 vị trí phá rừng trái pháp luật và 1 vị trí lấn chiếm đất rừng trái pháp luật. Qua kiểm tra, đo đạc, tổng diện tích rừng bị tác động 37.555 m2, tổng số cây bị cưa, chặt hạ 519 cây gồm thông 3 lá, dầu trà beng và gỗ dẻ. Trong khi đó, tổng diện diện tích bị lấn chiếm trên 5 ha thuộc đất rừng sản xuất. Đồng thời, hiện trạng tại thời điểm kiểm tra trên diện tích lấn chiếm đã trồng cây cà phê, mắc ca, mai anh đào và chuối.
Tương tự, diện tích rừng tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà chủ yếu thuộc địa bàn huyện Lạc Dương cũng bị lấn chiếm. Theo thống kê, trong năm 2021 đã có gần 30 vụ lấn chiếm rừng bị phát hiện với tổng diện tích bị tác động hơn 55.000m2.
Ông Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà cho biết, thời gian qua tại khu vực tiểu khu 112B, 113B thuộc khu vực Đankia của thị trấn Lạc Dương là những điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Chúng tôi đã lập hồ sơ khởi tố nhiều vụ để truy tìm đối tượng vi phạm, đồng thời tổ chức giải toả đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, bao chiếm trái phép.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, năm 2021, tình hình lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn vẫn còn phức tạp với tổng số 579 vụ, diện tích bị lấn chiếm 154 ha; trong đó đã giải toả 129 ha. Ngoài ra, còn có 85 vụ tái lấn chiếm đất lâm nghiệp với diện tích 24,5 ha. Trong số đó, tình hình vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng diễn ra nhiều ở một số địa phương như: huyện Đam Rông, Bảo Lâm, Lâm Hà, Lạc Dương… Đặc biệt có các vụ việc nổi cộm gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhận định, nguyên nhân của tình trạng trên là do giá trị của đất sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng. Bên cạnh đó, nhiều diện tích rừng đan xen, giáp ranh với diện tích sản xuất nông nghiệp của người dân nên công tác quản lý bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.
“Trong thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các vụ phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, kiên quyết không để người dân canh tác nông nghiệp trên đất rừng bị lấn chiếm. Đồng thời, đề xuất thu hồi dự án đối với các đơn vị, doanh nghiệp để rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép trên diện tích được giao, được thuê” – ông Sơn nói./.