Lâm Đồng: Atiso nguyên liệu làm nên 100 món ngon “đình đám” ở Đà Lạt

Những năm gần đây, các món ăn chế biến từ cây atiso luôn được xếp vào danh mục các món ăn cao cấp của ẩm thực Việt Nam.
picture1-1695442989.jpg
Các đầu bếp chế biến món ngon từ atiso nguyên liệu có thể lấy từ bất kỳ bộ phận nào.

Sự kiện lập kỷ lục trình diễn 100 món ngon từ cây atisô diễn ra tại Thung lũng Tình yêu Đà Lạt TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng do Hội Đầu bếp chuyên nghiệp tỉnh Lâm Đồng - Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng tổ chức vào ngày 19-9. Cuộc thi cũng đã xác lập kỷ lục “100 món ngon từ cây atiso Đà Lạt”, mang thông điệp quảng bá tinh hoa ẩm thực Việt Nam. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động du lịch kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa biết rõ về cây atiso, một loài hoa đẹp độc đáo cũng là món dược liệu quý.

Quảng bá nền ẩm thực Việt Nam

Với cây hoa atiso độc đáo, cùng tài nghệ của các đầu bếp khắp cả nước tạo nên 100 món “ngon- độc – lạ”, cuộc thi tài được thực hiện với mục đích quảng bá nền ẩm thực nước ta để bạn bè năm châu biết đến. Theo đó, cuộc thi tài sôi nổi tại Đà Lạt vừa qua đã có 20 đội đầu bếp tham gia, đến từ các nhà hàng, khách sạn trong tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh, thành khác trong nước.

Theo ban tổ chức cuộc thi, những năm gần đây, các món ăn chế biến từ cây atiso luôn được xếp vào danh mục các món ăn cao cấp của ẩm thực Việt Nam. Vào đầu tháng 4 vừa qua, Tổ chức Kỷ lục châu Á cũng đã công nhận thêm 9 kỷ lục châu Á mới cho món ăn Việt và nhóm món ăn, đặc sản, trong đó có atiso Đà Lạt.

picture2-1695442989.jpg
Các món đều có đặc trưng mùi vị ẩm thực Việt.

Tại hội thi ẩm thực, hơn một trăm đầu bếp thuộc Chi hội Bếp chuyên nghiệp Lâm Đồng cùng nhiều đầu bếp khác trên cả nước đã có dịp thể hiện khả năng chế biến món ăn hàng đầu hiện nay. Theo đó có hơn khoảng 150 món lấy nguyên liệu từ atisô, các đầu bếp đã kỳ công dùng các bộ phận của cây để chế biến thành các món ăn, sau đó đã chọn ra được 100 món ngon phù hợp.

Cách sử dụng atiso lâu nay phổ biến dưới dạng pha trà để uống hoặc nấu một số món ăn đơn giản. Tuy nhiên, đến với cuộc thi, qua bàn tay tài hoa của các đầu bếp, atiso được chế biến thành 100 món ngon độc đáo như súp atiso sụn cá tầm, lẩu gà atiso, bồ câu tiềm atiso và sâm tươi, gà H'Mông hầm atiso tứ quý, cá trứng Phú Quốc atiso bách hoa, bánh trung thu atiso, cơm chiên atiso cá tầm cuộn ngũ sắc... “Cuộc thi làm nổi bật lên những thế mạnh độc đáo từ atiso, quảng bá ẩm thực trong nước, kích thích sự sáng tạo...”, nhà tại trợ bạc của hội thi, bà Phạm Thị Thùy Ngân – Phó Tổng giám đốc công ty Trà Ngọc Duy, chia sẻ.

Tại hội thi, ông Nguyễn Hữu Hưởng, Chủ tịch Hội Đầu bếp tỉnh Lâm Đồng, Trưởng ban giám khảo cuộc thi cũng chia sẻ: Đây là sự kiện được tỉnh hết sức quan tâm, nằm trong chuỗi hoạt động du lịch kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, là dịp quảng bá rất ý nghĩa cho nền ẩm thực địa phương cũng như du lịch Đà Lạt. Là cơ hội kết nối, chia sẻ, cùng phát triển tay nghề của các đầu bếp trong cả nước. 100 món tiêu biểu được ban tổ chức xác lập từ các tiêu chí kỹ thuật được làm từ các bộ phận của cây atiso như: hoa, thân, lá, rễ cây atisô. Bên cạnh đó là các yếu tố dễ phổ biến, gần gũi, sáng tạo...”.

Loài cây độc đáo

Cây atiso có tên khoa học là Cynara Scolynus Lour, được người Pháp đưa vào nước ta từ những năm 40 thế kỷ 20. Cây atiso có mặt ở khá nhiều nơi, nhưng chỉ hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của vùng đất Đà Lạt. Giống hoa này phát triển nhanh mạnh mẽ trong khí hậu ôn đới, từ đó được phân thành một giống riêng được gọi là “Atiso Đà Lạt” và dần đã trở thành một biểu tượng của Đà Lạt.

picture3-1695442989.jpg
Ban giám khảo chấm điểm tại cuộc thi.

Atiso Đà Lạt là một loài hoa nhưng đồng thời cũng là một loại rau thảo dược vì có thêm nhiều công dụng như: atiso có tính mát, vị ngọt pha chút đắng, nhiều dưỡng chất. Có công dụng lợi mật, giúp gan thải độc, thanh lọc cơ thể, bổ thận, phòng ngừa các bệnh xơ vữa động mạch… Cây atiso có thể cao tới 1,5 - 2 mét, lá cây có thể dài đến 80cm. Phần lá có dạng hình trứng, mép lá hình răng cưa, hoa nở ở phần giao nhau giữa lá và thân chứ không có cuống hoa. Màu hoa tím nhạt, tràng hoa màu vàng hồng hoặc màu tía, đài hoa màu đỏ bao quanh lấy quả. Người ta thường thu hoạch atiso khi hoa vừa đủ lớn và vẫn còn non để chế biến các món ăn.

Hoa atiso tại Đà Lạt được chia làm hai loại: bông nhọn và loại bông tròn. Phần hoa, rễ, thân, lá thường được sấy khô tạo nên những loại trà túi lọc thanh nhiệt, giải độc. Theo những người trồng cây atiso tại Đà Lạt, vào khoảng mùa thu, khi lá đài hoa mềm tươi, có màu đỏ, là thời gian thu hoạch bắt đầu. Tại đây, cây atiso được trồng thành những diện tích lớn dưới thung lũng, đây cũng là điểm thu hút đông đảo lượng khách du lịch đến tham quan. Hiện tại, một ngọn tháp lớn giữa trung tâm TP Đà Lạt được xây dựng mô phng hình ảnh loài hoa độc đáo này. Người dân Đà Lạt tự hào về cây hoa atiso, loài hoa độc đáo, vừa đẹp lại vừa là dược liệu, lại vừa làm được các món ăn ngon.

Khánh Duy  - Thái Hoàng