Tháng 6/1989, Công ty Điện tử Thiết bị Thông tin (Sigelco) – tiền thân của Viettel - được thành lập, với vỏn vẹn 10 người lính làm việc trong một dãy nhà cấp 4 trên phố Cát Linh (Hà Nội).
Thuở ban đầu, tham vọng sản xuất thiết bị điện tử phải tạm gác sang bên. Tìm cách “nuôi sống” công ty đặt lên hàng đầu. Những người lính chuyển sang làm kinh tế có công việc đầu tiên là kéo cáp, dựng cột thuê cho bưu điện, các đài truyền hình.
Nhưng vạn sự khởi đầu nan, cơ hội ít ỏi. Cứ công trình nào liên quan đến cột cao, lắp đặt tổng đài thông tin, xây dựng các tuyến viba mà không công ty nào nhận thực hiện vì khó nhằn, thì đó là cơ hội cho Sigelco. Những công trình cột cao ở nơi địa hình hiểm trở, trên đỉnh núi cao hay trong rừng rậm đã tạo nên tên tuổi cho công ty trong xây lắp viễn thông trong nước. Đây cũng là lúc ước mơ tự xây dựng được hạ tầng viễn thông hình thành, khởi nguồn cho rất nhiều mục tiêu, khát vọng sau này của Viettel.
Kỳ tích gọi tên “đường trục 1A”
Năm 1995, Viettel là doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam được cấp giấy phép kinh doanh đầy đủ các dịch vụ viễn thông. Thế nhưng, công ty lại chẳng có hoạt động kinh doanh dịch vụ nào.
Bước ngoặt đến vào năm 1997, Viettel mạnh dạn nhận dự án lớn đầu tiên: thiết kế và thực hiện đường trục cáp quang 1A cho Bộ Tư lệnh Thông tin. Việc xây dựng đường trục này dựa trên 2 sợi cáp quang trên đường điện 500 kV Bắc Nam mà Bộ Tư lệnh Thông tin xin từ Chính phủ.
Điều oái ăm là một trục cáp quang cần đến 4 sợi, gồm 1 sợi thu, 1 sợi phát và 2 sợi dự phòng. Là đường trục dành riêng cho quân đội, mang tính an ninh bảo mật cao nên Viettel phải tự làm, không được có sự tham gia của chuyên gia nước ngoài.
Để thành công, Viettel cần phải tìm ra kỹ thuật mới để thu – phát trên cùng một sợi quang và phải triển khai trên quãng đường hơn 2.300km. Bài toán khi ấy bị coi là không có lời giải, bởi chưa từng có công ty nào thực hiện được điều tương tự. Với công ty còn non trẻ, ít kinh nghiệm như Viettel, độ khó càng nhân lên nhiều lần.
Phá vỡ thế độc quyền viễn thông ở Việt Nam
Một năm sau đó, Tổng cục trưởng Tổng Cục Bưu điện Mai Liêm Trực ký quyết định cho phép Viettel là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam triển khai thử nghiệm dịch vụ gọi điện thoại đường dài VoIP, đánh dấu mốc tiếp theo trên con đường phát triển của Viettel.
Nhớ lại thời khắc đó, ông Mai Liêm Trực không khỏi xúc động: “Khi gặp những lãnh đạo của Viettel lúc bấy giờ tôi nhìn rất rõ cái khát vọng của những người lính, cái tính xả thân và đặc biệt là tầm nhìn - Cái điều đấy tạo cho Tổng cục Bưu điện một niềm tin rất rõ ràng, niềm tin cao là hãy nhờ đến Viettel để đột phá, thay đổi ngành viễn thông Việt Nam. Và cũng đó… cũng là lý do mà Tổng cục Bưu điện cấp phép cho Viettel làm điện thoại qua Internet VoIP, cũng như là cấp tần số di động GSM để Viettel làm di động.”
VoIP là loại hình dịch vụ viễn thông mới, được đầu tư với vốn rất thấp, nhưng có thể cung cấp dịch vụ gọi điện thoại đường dài cho người dân với chí phí hợp lý.
Thách thức lớn nhất là dịch vụ phải dựa vào mạng điện thoại cố định của đối tác và toàn bộ khách hàng của họ. Khó khăn chưa dừng lại, sau khi đàm phán mua thiết bị xong, Viettel lại bị huỷ hợp đồng ngay sát thời điểm dự kiến khai trương. Không muốn bị trì hoãn thêm, Viettel phải mượn thiết bị cũ của một công ty Singapore.
Một lần nữa, tinh thần tự lực và quyết tâm của những người lính đã giúp các kỹ sư Viettel cung cấp dịch vụ đúng dự kiến.
“Tôi biết rằng đó sẽ là một đêm lịch sử. Khi đó, không mấy người hiểu được điều này”, ông Mai Liêm Trực nhớ lại.
Đúng như vậy, sự xuất hiện của VoIP đã tạo nên một cuộc cách mạng về giá cước điện thoại. “Sân chơi” ngành Viễn thông trong nước dần có tính cạnh tranh, thay vì một công ty chiếm thế độc quyền và trên hết là người dân có thêm lựa chọn khi cần liên lạc.
“VoIP 178 - Mã số tiết kiệm của bạn” nhanh chóng phổ biến nhờ giá cước cuộc gọi đường dài giảm mạnh, với cước cố định đường dài trong nước ở Việt Nam giảm hơn 2,65 lần và quốc tế giảm gần 6 lần.
Doanh thu từ VoIP đã giúp Viettel có số vốn 10 triệu USD (con số rất lớn với Viettel khi ấy) để đầu tư cho mạng di động, và trở thành bàn đạp cho bước nhảy vọt thần kỳ của Viettel sau này. Quan trọng hơn, bước tiến Viettel đã truyền cảm hứng cho những doanh nghiệp khác, mở ra kỷ nguyên viễn thông giá rẻ ở Việt Nam, sau khi các nhà mạng khác cũng học theo đầu tư cho hạ tầng và công nghệ mới.
Sự kiện này cũng đánh dấu Viettel từ “thân phận” công ty làm thuê sang địa vị một công ty “làm chủ”. “Muốn làm giàu thì phải làm chủ, và từ VoIP, Viettel đã chính thức làm chủ, tạo nên kỳ tích”, Nguyên Chánh Văn phòng Phan Hữu Vinh, nói.
Một cột mốc đã chinh phục, người Viettel không mải tận hưởng mà nhanh chóng bắt tay vào phổ cập dịch vụ di động cho người dân Việt Nam, rồi từng bước xây dựng hệ thống mạng 3G, 4G, 5G – những xu hướng công nghệ hiện đại nhất ứng với mỗi thời kỳ.
Câu chuyện khó quên về thời khởi nghiệp gian khó, đường trục 1A hay dịch vụ VoIP cũng như một bản lề, mở ra nhiều lớp người Viettel về sau luôn biết cách đi lên bằng tinh thần tự lực và sáng tạo không ngừng./.