Sau mấy năm hòa bình, không khí thời chiến đang trở lại. Nếp công tác, sinh hoạt tấp nập khẩn trương hơn. Cơ quan tiến hành báo động hành quân nhiều lần. Cán bộ các cơ quan luôn luôn trong trạng thái tâm thế sẵn sàng đợi lệnh lên đường nhận nhiệm vụ.
Chiều ngày 23/02/1979, tôi cùng một số cán bộ thuộc các cơ quan được Thủ trưởng Tổng cục Chính trị triệu tập giao nhiệm vụ làm Phái viên xuống các đơn vị đang trực tiếp chiến đấu ở biên giới thuộc: Quân khu I, Quân khu II và Đặc khu Quảng Ninh. Vừa bước sang tuổi 31, bậc quân hàm Đại úy, tôi lại hăm hở nhận nhiệm vụ lên đường ra mặt trận tựa như mùa Đông năm 1964 - mới chẵn 16 tuổi đã nhập ngũ vào chiến trường Miền Nam chiến đấu.
Theo phân công, tôi cùng anh Đào Thắng, Trung úy, Nhà văn, cán bộ Cục Tuyên huấn xuống Trung đoàn 567 thuộc Quân khu I đang chiến đấu tại mặt trận Cao Bằng. (Sau này, anh Đào Thắng là Đại tá, chuyển ngành làm Chánh Văn phòng Hội Nhà văn). Nhận nhiệm vụ xong rời phòng họp, tôi bất chợt gặp Đại tướng Chu Huy Mân ở dãy hành lang tòa nhà Văn phòng Tổng cục Chính trị. Ông dừng lại ôn tồn hỏi tôi: - Cháu được cử đi đâu?
- Dạ, cháu được cử lên mặt trận Cao Bằng - Tôi hăng hái trả lời.
Ông nói tiếp: - Thế là tốt. Chiến tranh do kẻ địch phát động diễn ra trên diện rộng, với qui mô lớn. Cả nước ta lại phải đương đầu với một cuộc chiến tranh mới, với kẻ thù mới. Cháu đã qua chiến đấu ở chiến trường thời đánh Mỹ. Nay, cần tiếp tục phấn đấu rèn luyện qua thực tiễn chiến đấu, công tác ở đơn vị cơ sở. Này! Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, bác đã từng chỉ huy chiến đấu ở Cao Bằng đấy. Bây giờ lên đó, cháu phải xuống hẳn một Trung đoàn đang chiến đấu, trực tiếp nắm tình hình và giúp lãnh đạo chỉ huy đơn vị giải quyết những vấn đề đặt ra. Nhớ phải có báo cáo kịp thời về Tổng cục.
Chia tay ông, tôi vui vẻ trở về cơ quan chuẩn bị mấy thứ cần thiết để sáng mai lên đường. Sáng sớm ngày 24/02, tôi dùng xe Hon Đa đưa nhà tôi và Nguyễn Trần Quang, con trai đầu (ngày đó mới hơn 3 tuổi, chúng tôi chưa sinh Nguyễn Trần Thùy Vinh) từ nhà tôi ở 1A Hoàng Văn Thụ vào nhà 30 Lý Nam để chia tay ông bà ngoại.
Từ nhà ông bà ngoại, tôi khoác ba lô đi bộ sang cơ quan Tổng cục Chính trị. Liễu và cháu Quang đi tiễn. Từ trong nhà ra gần tới cổng 30 Lý Nam đế, đến đầu nhà ông Đồng Sỹ Nguyên có lối nhỏ rẽ tắt qua Đại đội 2 Vệ binh thuộc Lữ đoàn 144 sang cơ quan TCCT - Lối đi này chỉ những người có Giấy ra vào Thành mới qua được. Tôi dừng lại giang tay bế con trai lên ghì chặt vào lòng, ôm hôn con. Quang hỏi, Ba ơi, Ba đi chống Tàu bao giờ về? (Trước đó, nghe người lớn nói với nhau là vậy, nên cháu biết).
Tôi nói, chưa biết trước, nhưng không lâu lắm đâu con ạ. Liễu nhà tôi bịn rịn, tay cầm tay, rồi lẳng lặng ngoảnh mặt đi, đưa tay nghẹn ngào gạt nước mắt. Trong phút giây xúc động, tôi vội nói lời chia tay rồi đi thẳng, đầu không dám ngoảnh lại. Hoàn cảnh khác nhau, nhưng mọi cuộc chia tay lưu luyến của bao cặp vợ chồng trong thời chiến từ xưa đến nay đều diễn ra như vậy.
Vào tập trung ở sân bóng đá Tổng cục Chính trị, các cơ quan có một số người đến chia tay một cách nhẹ nhàng. Tôi và anh Đào Thắng lên chiếc xe com - măng - ca Bắc Kinh đít tròn, do anh Nguyễn Văn Mỹ quê ở Hải Dương lái. Tôi và Mỹ quen nhau đã nhiều năm, nên dễ vào chuyện. Với anh Đào Thắng, đây là lần gặp đầu tiên. Qua câu chuyện bước đầu, tôi biết anh Thắng hơn tôi hai tuổi, là chồng cô Như, con gái Nhà văn nổi tiếng Nguyễn Đình Thi. Thời chống Mỹ, anh Thắng ở đơn vị Phòng không đã tham gia rất nhiều trận chiến đấu ác liệt ở vùng Khu Bốn. Anh thuộc nhiều địa danh quê tôi. Anh Thắng cũng đã có nhiều tác phẩm viết về những trận chiến đấu ác liệt bắn máy bay Mỹ trên bầu trời Khu IV.
Từ Hà Nội, theo Quốc lộ 3, chúng tôi lên Bộ Tư lệnh Quân khu I đóng ở Thái Nguyên, với cự ly khoảng hơn 80 cây số. Đến Quân khu, chúng tôi vào làm việc với Cục Chính trị. Anh Nguyễn Hức, Cục phó Chính trị cùng anh Đinh Ban cán bộ Phòng Tuyên huấn tiếp và làm việc với chúng tôi. Tôi biết anh Hức từ khi anh ấy công tác ở Cục Cán bộ TCCT. Anh Ban thì mới gặp lần đầu. Sau đó, xe chúng tôi đi lên Bắc Kạn với cự ly khoảng 90 cây số, rồi đi tiếp lên Cao Bằng.
Hôm đó là Thứ Bảy, ngày 20 tháng Giêng năm Kỷ Mùi. Tiết Xuân đang lúc gió mùa đông bắc, mưa phùn lất phất, trời se lạnh. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi lên Cao Bằng. Hai bên đường trên các triền núi, có nhiều vạt lau khá cao, bông lau phất phơ trong gió xuân. Thỉnh thoảng có cây đào phai, trông khá đẹp. Đường đi qua nhiều đèo cao khúc khuỷu: Đèo Giàng, Đèo Gió, Đèo Ngân Sơn, Đèo Cao Bắc. Đèo Gió là đèo cao và dài nhất, rất nguy hiểm. Trời mù sương, đường trơn trượt, nếu lái xe không cẩn thận dễ xảy ra tai nạn. Trên đường khá tấp nập xe cộ. Người ra mặt trân. Người về phía hậu phương. Lúc này quân Trung Quốc vừa chiếm Thị xã Cao Bằng.
Tỉnh đội Cao Bằng đã lùi về huyện Ngân Sơn. Trong số đoàn người lui về về sau, phần đông là dân đi sơ tán và cũng có nhiều xe chở thương binh từ mặt trận về. Khi đến Ngân Sơn, chúng tôi vào Tỉnh đội xuất trình giấy tờ. Cơ quan Tỉnh đội bố trí cho tôi, anh Thắng và Mỹ ngủ ở một nhà dân trong bản. Dân ở đây đã sơ tán về phía sau. Nhà trống, đồ đạc vứt lại ngổn ngang. Đêm đến miền núi cao trời rét đậm, nấu cơm ăn xong, chúng tôi ngồi sưởi ấm bên bếp lửa hồng đến tận khuya rồi mới thu xếp sửa soạn chỗ ngủ.
Theo phân công, sáng mai, chúng tôi hành quân bộ cùng với anh Nông Văn Nhung, Trung tá, Chính ủy Trung đoàn 567 và mấy cán bộ, chiến sĩ lên nhận nhiệm vụ ở Tỉnh đội quay về đơn vị. Tôi nhìn vào bản đồ tác chiến thì thấy Trung đoàn 567 đang nằm sau lưng địch. Nói cách khác, quân Trung Quốc đã tiến khá sâu vào lãnh thổ Việt Nam mà Trung đoàn 567 đã nằm trong vòng vây của chúng. Việc liên lạc từ Trung đoàn về Tỉnh đội và Mặt trận Cao Bằng rất khó khăn, chỉ có từng toán nhỏ xuyên cắt rừng, tránh địch để đi.
Với tôi, bằng kinh nghiệm từ hồi chống Mỹ khi còn là chiến sĩ trinh sát, đặc công. Lần nay, việc cắt rừng tránh địch để đi là nguy hiểm, nhưng không thật khó. Vì đường rừng mênh mông có nhiều lối tránh. Thêm nữa, được các chiến sĩ của Trung đoàn 567 quen thuộc địa hình dẫn đường thì chúng tôi yên tâm.
Sáng dậy, cơm nước xong, vai khoác ba lô, lưng đeo khẩu súng ngắn K59, từ Ngân Sơn chúng tôi đi cắt đường rừng vào Trung đoàn 567 đang hoạt động ở Đường số 4. Trên đường đi, hỏi chuyện tôi biết anh Nông Văn Nhung, người dân tộc Tày, hơn tôi độ dăm tuổi, người đậm chắc, đầu hơi bị hói. Thời chống Mỹ, anh Nhung ở Sư đoàn 312 đi chiến trường Tây Nguyên, rồi vào chiến đấu ở Đông Nam Bộ.
Cuốc bộ đường rừng, leo nhiều dốc cao, lội qua nhiều con suối, tôi cảm thấy khá mệt. Đang trời rét mà mồ hôi tôi cứ túa ra ướt cả áo. Dưới chân thì từng đàn vắt cứ ngoe ngoảy bám theo. Thật chẳng khác nào việc xuyên rừng, vượt suối tôi đã trải qua thời đánh Mỹ. Khoảng 5 giờ chiều, đoàn chúng tôi về tới Trung đoàn bộ đóng cạnh một bản người dân tộc ở chân núi, phía dưới có con suối, xa hơn là mấy thửa ruộng bậc thang.
Sở Chi huy Trung đoàn gồm mấy căn hầm, phía trên có mấy cái bàn làm bằng tre ghép lại, xung quanh là mấy dãy lán nứa. Người đầu tiên tiếp chúng tôi là anh Hứa Văn Kính, Thiếu tá, Trung đoàn trưởng - Một cán bộ khá trẻ so với cấp bậc và độ tuổi, dáng tầm thước, da trắng, tác phong vui vẻ, nhanh nhẹn, xởi lởi. Qua câu chuyện, tôi được biết anh Kính mới được điều động từ Trường Quân sự Quân đoàn I về Trung đoàn mấy tháng trước khi xẩy ra chiến tranh.
Trung đoàn 567 là trung đoàn độc lập trực thuộc Quân khu I. Khi chiến tranh biên giới xẩy ra, Trung đoàn 567 đã chiến đấu nhiều trận, lập công xuất sắc ở Thạch An, Hà Quảng.
Ngày đầu tiên, 17/02/1979, Quân Trung Quốc mở đầu là pháo bắn dữ dội, tiếp theo là xe tăng và bộ binh tấn công. Trung đoàn 567 đã cùng Đồn Biên phòng Tà Lùng và dân quân tự vệ địa phương chặn đánh địch quyết liệt ở Đèo Khâu Chỉa (Phục Hòa). Mấy ngày sau, địch tập trung quân dồn dập tấn công vào Thị xã Cao Bằng. Do tương quan lực lương chênh lệch, ngày 24/02/1979, địch chiếm được Thị xã. Nhiều đơn vị của ta bị tổn thất, rơi vào thế bị chia cắt, bao vây. Lúc này quân số và vũ khí trang bị của Trung đoàn 567 đã bị tiêu hao, lương thực, thực phẩm khó khăn.
Với tư cách là Phái viên của Tổng cục Chính trị, nhiệm vụ của chúng tôi là nắm tình hình mọi mặt của đơn vị, tư vấn cho chỉ huy lãnh đạo đơn vị xử lý các tình huống. Qua nắm tình hình, chúng tôi nhận thấy, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn nhận thức khá đầy đủ về âm mưu thủ đoạn của địch và nhiệm vụ của đơn vị. Qua mấy ngày chiến đấu đơn vị có thương vong, nhưng mọi người không hề nao núng tinh thần.
Cùng với việc nắm tình hình và tư vấn với Ban chỉ huy Trung đoàn xử lý các tình huống chiến đấu, tôi còn đi sâu kiểm tra thực hiện công tác chính sách trong chiến đẩu: việc an táng liệt sĩ, cấp cứu thương binh và giải quyết giấy tờ cho thương binh về phía sau điều trị; việc bình bầu khen thưởng những tập thể cá nhân lập thành tích trong chiến đấu.
Là nhà văn quân đội đang tác nghiệp như một phóng viên chiến trường đích thực, anh Đào Thắng đã đi sâu gặp gỡ các cá nhân và tập thể điển hình xuất sắc trong chiến đấu, kịp viết bài đăng Tạp chí Văn nghệ quân đội và Báo QĐND. Hằng ngày, chúng tôi cùng ăn ở với bộ đội ở trận địa.
Bằng vốn sống thực tế nhiều năm ở chiến trường miền Nam thời đánh Mỹ, tôi sớm quen với mọi việc, được anh em từ lãnh đạo chỉ huy Trung đoàn đến chiến sĩ tin tưởng, thân thiết gần gũi, công việc thuận lợi. Anh Đào Thắng cũng vậy. Như phần trên đã nói, trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, là bộ đội pháo cao xạ, anh Thắng đã nếm trải bao ác liệt, khó khăn trên các địa bàn trọng điểm ở Khu Bốn.
Ở Trung đoàn 567 được hơn 1 tuần, có Điện gọi chúng tôi về Bộ Tư lệnh Mặt trận Cao Bằng báo cáo tình hình. Phút chia tay anh em Trung đoàn thật bùi ngùi. Chỉ ngót mười ngày thôi mà tình cảm thật gắn bó. Chúng tôi lưu luyến chia tay, hẹn ngày gặp lại. Ban Chỉ huy Trung đoàn cho 2 chiến sĩ cắt đường rừng dẫn chúng tôi trở ra Ngân Sơn.
Lúc này, theo chỉ thị của trên, Bộ Tư lệnh Quân khu I đã Quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Cao Bằng. Đại tá, AHLLVT Đàm Văn Ngụy, Phó Tư lệnh Quân khu I được phân công làm Tư lệnh. Đại tá Ngô Bằng Khê làm Chính ủy Mặt trận. Sở Chi huy BTL Mặt trận Cao Bằng đặt ở Bằng Khẩu. Khi về tới BTL thì tôi gặp và báo cáo với Thủ trưởng trực tiếp là Thiếu tướng Hùng Phong, Cục trưởng Cục Tổ chức TCCT mới từ Hà Nội lên đang làm Phái viên của Bộ tại Mặt trận. (Một thời gian sau, ông Hùng Phong được cấp trên điều động làm Bí thư Đảng ủy Quân khu, Phó Tư lệnh về Chính trị Quân khu I).
Khi chúng tôi chuẩn bị ra về, thì có một việc đột xuất: Mặt trận dùng máy bay trực thăng Mi6 để tiếp tế vũ khí đạn dược, lương thực phẩm cho Trung đoàn 567 đang nằm trong vòng vây của địch. Vì tổ lái máy bay không xác định được địa điểm, tọa độ đóng quân của Trung đoàn.
Vậy là, tôi và anh Đào Thắng được giao nhiệm vụ ngồi lên máy bay để dẫn đường như hoa tiêu. Dù biết chắc địa điểm đơn vị đóng quân, lại là người cũng có ít nhiều kinh nghiệm xác định toạ độ trên bản đồ, nhưng quả thật địa hình rừng núi, lại ngồi trên máy bay nhìn xuống, mây mù dày đặc. Bay cao nhìn xuống dưới thì không thấy gì, bay thấp thì sợ đâm vào vách núi.
Hơn nữa, được biết hồi đó Trung Quốc đã đưa pháo cao xạ vào đất ta, kể cả thị xã Cao Bằng. Ngồi vào buồng lái, bằng mắt thường nhìn qua kính máy bay, tôi loay hoay chỉ trỏ cho máy bay vòng đi vòng lại cả một vùng khá rộng, đến mấy lượt, nhưng đều không thấy. Cuối cùng, sau vài chục phút dò dẫm không tìm được chỗ đóng quân của Trung đoàn 567. Qua bộ đàm, tổ lái xin ý kiến và được cấp trên lệnh cho máy bay quay về căn cứ.
Khi tiếp đất, nhìn những lô hàng vũ khí đạn dược, lương thực thực phẩm đang xếp sẵn trong khoang hạnh lý máy bay, lòng tôi áy náy xót xa vô cùng. Tôi tự cảm thấy mình như có lỗi lớn với anh em. Trong kia, giữa vòng vây quân thù, bộ đội ta thiếu thốn đủ thứ, phải hằng ngày dè xẻn chắt chiu lương thực, đạn dược để sống và chiến đấu. Tôi được biết, sau đó mấy hôm, BTL Mặt trận Cao Bằng lệnh cho Trung đoàn 567 vượt vòng vây rút ra phía sau để bảo toàn lực lượng, chuẩn bị tập trung phản kích địch.
Hai hôm sau, có điện yêu cầu chúng tôi về Hà Nội gấp để tổng hợp đánh giá tình hình các hướng và kịp xét đề nghị khen thường. Nhân có máy bay trực thăng Mi6 chở hàng lên Mặt trận Cao Bằng quay về Hà Nội, chúng tôi được phép cho ô tô lên máy bay để cùng về. Hơn một giờ sau, trực thăng hạ cánh sân bay Bạch Mai. Chúng tôi lên ô tô về đơn vị. Thấm thoắt thời gian trôi nhanh, mới ngày nào đó mà nay đã hơn 40 năm.
Trong cuộc đời quân ngũ 45 năm, tôi có nhiều chuyến công tác. Nhưng có thể nói, chuyến thâm nhập đơn vị đang trực tiếp chiến đấu ở biên cương Cao Bằng mùa Xuân năm 1979 - trong thời điểm cả Dân tộc ta đang sục sôi hào khí chống quân Trung Quốc xâm lược - là một trong chuyến công tác có nhiều ý nghĩa với bao kỷ niệm khó quên./.