Trao quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo quận Gò Vấp khẳng định: “Chúng ta càng tự hào bao nhiêu về truyền thống thì càng phải có trách nhiệm bấy nhiêu trong việc giữ gìn, phát huy và lan tỏa giá trị lịch sử, giáo dục thế hệ trẻ sống có lý tưởng, hành động vì cộng đồng, vì Tổ quốc thân yêu.”
Từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Gò Vấp – một trong bốn quận của tỉnh Gia Định – đã sớm trở thành vùng đất kiên trung, giàu truyền thống cách mạng. Những trận đánh ác liệt của Chi đội 6, Chi đội 12 tại Mười Tám thôn vườn trầu, địa đạo Trung Mỹ Tây, chiến khu An Phú Đông… đã ghi dấu sự gan dạ và ý chí bất khuất của quân và dân nơi đây.

Bước sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Gò Vấp trở thành địa bàn trọng yếu, cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn. Mỹ - ngụy tăng cường xây dựng các cơ sở quân sự, hậu cần trọng điểm như Bộ Tư lệnh Thiết giáp, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu Ngụy… khiến nơi đây trở thành “thủ phủ quân sự” của địch. Trong thế trận đó, Gò Vấp nổi lên là một mũi nhọn tiến công của cách mạng, nơi lực lượng du kích, đặc công và biệt động hoạt động sôi nổi, liên tục đánh vào các điểm yếu của kẻ thù.
Bà Trần Thị Thu Hồng, thuộc đội biệt động 67.B chia sẻ: “50 năm đã trôi qua, với 76 tuổi đời, tôi vẫn thấy tự hào những gì mình đã làm dù không lớn lao, và sẽ vẫn tiếp tục cho đến khi nào không còn sức… Và luôn với niềm tin lớp trẻ hôm nay sẽ tiếp sức, phát triển, xây dựng đất nước Việt Nam Vững mạnh - Giàu đẹp mãi mãi.”
Sự ra đời của Đội Biệt động 67B – Từ nhu cầu thực tiễn chiến trường
Tháng 5/1965, trước yêu cầu bức thiết từ chiến trường miền Nam khi Mỹ ồ ạt đổ quân vào, chuyển chiến lược sang “chiến tranh cục bộ”, Phân khu Gò Môn (thuộc khu ủy Sài Gòn – Gia Định) quyết định chia tách Đội biệt động 67 thành hai đội độc lập: 67A và 67B. Trong đó, Đội biệt động 67B hoạt động chủ yếu tại Gò Vấp (vùng 1 của Phân khu Gò Môn), gồm các xã Hanh Thông, An Nhơn, Thông Tây Hội – địa bàn nóng bỏng và phức tạp.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đội biệt động 67B có quân số 124 người, gồm chiến đấu viên, bán vũ trang và lực lượng hợp pháp. Ban chỉ huy đội gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Thâu (Đội trưởng), Nguyễn Văn Khối (Đội phó), Nguyễn Văn Hiện (Chính trị viên), Ngô Văn Hòi (Đội phó). Đội được chia thành ba phân đội, hoạt động sâu trong lòng địch với các nhiệm vụ: xây dựng cơ sở, diệt ác phá kềm, đấu tranh chính trị và phát triển du kích chiến tranh.
Những chiến công lặng thầm nhưng oanh liệt
Bà Trần Thị Ngọc Mai - một trong những thành viên thường xuyên tham gia những chuyến đi về nguồn chia sẻ: "Tôi thấy tim mình đau nhói khi đến thắp hương cho các anh, các chị trong các nghĩa trang Liệt sĩ. Nhìn tấm bia trắng, hoặc 'vô danh', hoặc 'chưa xác định tên'... Tôi không biết người nằm dưới mộ là chị hay anh, bao nhiêu tuổi, quê quán ở đâu và cha mẹ, người thân là ai? Tôi mong muốn trong tương lai gần mỗi ngôi mộ được mang đúng tên mình để vong linh các anh chị mỉm cười nơi lòng đất mẹ."

Trong suốt 5 năm hoạt động (1965 – 1969), Đội biệt động 67B đã lập nên nhiều chiến công, làm tiêu hao sinh lực địch, bảo vệ an toàn cơ sở cách mạng và thúc đẩy phong trào đấu tranh trong nội đô Sài Gòn. Đặc biệt, đội luôn nhận được sự yêu thương, che chở của nhân dân Gò Vấp – từ những mái nhà, hầm bí mật, đến các “lõm chính trị” ngay giữa lòng địch.
Cuối năm 1969, trong bối cảnh điều chỉnh tổ chức lực lượng, Đội biệt động 67B hoàn thành sứ mệnh lịch sử và sáp nhập vào lực lượng Ban cán sự K41, tiếp tục chiến đấu đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975). Dù chỉ tồn tại 5 năm, song dấu ấn của Đội biệt động 67B là không thể phai mờ trong lịch sử kháng chiến của nhân dân Gò Vấp nói riêng và của dân tộc nói chung.
Phát huy truyền thống, viết tiếp trang sử vẻ vang

Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Đội biệt động 67B không chỉ là dịp tri ân các anh hùng, liệt sĩ – những người đã hy sinh tuổi trẻ, máu xương vì độc lập dân tộc – mà còn là cơ hội để thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục học tập, noi gương tinh thần cách mạng bất khuất, lòng yêu nước nồng nàn và ý chí vươn lên không ngừng.