Trong quý I/2022, các khoản cho vay tương đương 1.310 tỷ USD, đặc biệt ưu tiên cho doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch bệnh nhằm tạo sức sống cho tăng trưởng. Dòng vốn FDI đổ vào Trung Quốc gần 60 tỷ USD, tăng mạnh hơn 25,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã tăng 4,8% trong quý đầu tiên của năm 2022, từ 4% của quý IV/2021 và tốt hơn dự đoán của các nhà phân tích là khoảng 4,4%-4,5%.
Tốc độ tăng trưởng quý I/2022 chủ yếu nhờ các số liệu kinh tế khả quan trong tháng 1 và 2 của tháng Tết. Tuy nhiên, số liệu từ tháng 3 đã bắt đầu phản ánh tác động của lệnh phong tỏa lên nhiều lĩnh vực.
Doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng tháng 3 đạt 3.420 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 538 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, nguy cơ suy giảm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang gia tăng trước các rủi ro từ cuộc chiến ở Ukraine - Nga.
Điều này đã được ông Phó Lăng Huy, người phát ngôn Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc khẳng định trong cuộc họp báo cùng ngày: “Cần chỉ ra rằng, từ tháng 3 đến nay, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của dịch bệnh trong nước tiếp tục diễn ra, một số yếu tố bất ngờ đã vượt dự kiến. Tốc độ tăng của một số chỉ tiêu chủ yếu chững lại, sức ép giảm đối với nền kinh tế ngày càng gia tăng".
Các nhà phân tích lo ngại từ quý II/2022 tình hình còn khó khăn hơn bởi phong tỏa và bán phong tỏa lan rộng. Nhiều tập đoàn lớn như Tesla, Volkswagen, Foxconn đã phải ngừng sản xuất hay giảm sản xuất.
Cục Thống kê Quốc gia nhấn mạnh, Trung ương sẽ đẩy mạnh hỗ trợ chính sách kinh tế vĩ mô, ổn định việc làm, đảm bảo vừa cân bằng trong ngăn chặn COVID-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội. Ổn định kinh tế đang là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp từ thuế - phí, cũng như giảm dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng để dành nguồn tiền cho vay các khu vực kinh tế bị ảnh hưởng dịch bệnh.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại, mục tiêu GDP 5,5% trong năm 2022 là thách thức lớn khi mà Trung Quốc vẫn chưa nới lỏng các biện pháp chống dịch.
Trước đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thông báo sẽ cắt giảm lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải dự trữ lần đầu tiên trong năm nay từ ngày 25/4, giải phóng khoảng 530 tỷ nhân dân tệ (83,25 tỷ USD) thanh khoản dài hạn để ngăn đà giảm của nền kinh tế.
Các nhà quan sát Trung Quốc ước tính tình hình dịch bệnh ở Thượng Hải, trung tâm tài chính quan trọng của nước này có thể khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục xấu đi trong tháng 4 và tháng 5/2022.
Trong khi đó, theo ước tính của các giáo sư Đại học Trung Văn Hong Kong, Đại học Thanh Hoa, Đại học Chiết Giang, Đại học Princeton và Đại học Kinh tế Thương mại Đối ngoại Trung Quốc, việc phong tỏa do Covid-19 kéo dài ở Thượng Hải có thể làm giảm GDP hàng tháng của Trung Quốc từ 2,5 đến 3%.