Kinh tế Anh đình trệ trước sự xuất hiện của biến thể Omicron

Đà phục hồi của kinh tế Vương quốc Anh đã đình trệ trước sự xuất hiện của biến thể Omicron và những tác động tiêu cực đến chi tiêu tiêu dùng do chính sách hạn chế của chính phủ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đổ lỗi cho đà tăng của lạm phát và tình trạng thiếu hụt hàng hóa nhập khẩu khiến doanh số bán hàng giảm trong quý IV/2021. Trong một thông điệp gây lo ngại cho Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak, Phòng Thương mại Anh (BCC) cho biết trong cuộc khảo sát hàng quý đối với gần 5.500 doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp khẳng định họ đang cạn kiệt tiền mặt và từ bỏ kế hoạch đầu tư trong năm mới.

Suren Thiru, người đứng đầu bộ phận kinh tế của BCC, cho biết tăng trưởng doanh số bán hàng đình trệ do các doanh nghiệp vật lộn với "cơn gió ngược" của lạm phát, thiếu hụt lao động và các vấn đề tìm nguồn cung ứng sản phẩm từ nước ngoài.

140145-anh-ghi-nhan-ty-le-mac-covid-19-cao-ky-luc-1641548117.jpeg
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Portsmouth, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Cũng theo cuộc khảo sát của BCC, viễn cảnh các quan chức Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tăng lãi suất là một mối lo ngại khác đối với các công ty phải vay mượn thêm trong 20 tháng qua để đối phó với đại dịch COVID-19. Trong tháng 12/2021, BoE đã tăng lãi suất lên 0,25%.

Một loạt báo cáo cho thấy kinh tế Anh đang bước vào một mùa Xuân đầy thách thức, với việc giá tiêu dùng tăng mạnh ảnh hưởng đến thu nhập của các hộ gia đình và làm suy giảm niềm tin tiêu dùng. Theo số liệu chính thức, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Anh đã tăng lên 5,1% trong tháng 11/2021 sau đà gia tăng liên tục của giá dầu khí và các mặt hàng khác.

Trong quý II/2021, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Anh đạt 5,5%, nhưng giảm xuống 1,3% trong quý III/2021. Ông Thiru dự báo kinh tế Anh sẽ giảm tốc trong những tháng đầu năm 2022 khi chính sách làm việc tại nhà và tránh tụ tập đông người ảnh hưởng đến doanh số bán hàng. Bên cạnh đó, đà tăng của lạm phát có thể sẽ hạn chế triển vọng tăng trưởng của kinh tế Anh trong năm nay khi làm xói mòn sức chi tiêu của người tiêu dùng và làm giảm tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng như khả năng đầu tư của họ. 

Giám đốc điều hành BCC, Shevaun Haviland, lưu ý tình trạng gián đoạn kéo dài trong chuỗi cung ứng, đà tăng của lạm phát và chi phí năng lượng đang khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu. Theo bà Haviland, với việc các doanh nghiệp "vật lộn" với tác động của biến thể Omicron, những thay đổi về quy định xuất nhập khẩu hàng hóa sang EU sẽ có những trở ngại đáng kể cho các doanh nghiệp trong những tháng tới./.