Tuy nhiên, các lệnh phong tỏa và biện pháp hạn chế đi lại liên tiếp do dịch COVID-19, đặc biệt kể từ sau khi nước này thông báo phát hiện biến thể Omicron, đã khiến ngành du lịch Nam Phi lâm vào khó khăn.
Công ty lữ hành Wow Travel & Tours của anh Rushdi Harper tại Cape Town (Nam Phi) là một ví dụ điển hình cho thấy làn sóng dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch như thế nào. Wow Travel & Tours mới chỉ bắt đầu phục hồi, sau khi lệnh phong tỏa do dịch COVID-19 buộc anh phải bán nhà để duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Wow Travel & Tours từng kỳ vọng vào một mùa Giáng Sinh bội thu khi các du khách từ Bắc Bán cầu, chủ yếu là người Anh, Mỹ và Đức, tìm đến khu vực phía Nam để nghỉ dưỡng trong nắng ấm.
Tuy nhiên, sự xuất hiện đột ngột của biến thể Omicron vào tháng trước đã khiến nhiều nước áp đặt lệnh cấm đi lại đối với khu vực miền Nam châu Phi. Anh Harper, Giám đốc điều hành của Wow Travel & Tours, cho hay chỉ riêng trong tháng 12, lượng khách hủy tour đã lên tới 50%, trong khi con số này chiếm 40% vào tháng 1/2022. Anh Harper cho biết chỉ trong thời gian ngắn, thiệt hại do hủy tour đã vào khoảng 1 triệu rand (tương đương 63.274,72 USD).
Các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nối tiếp nhau tại Nam Phi đã khiến lượng du khách nước ngoài đến nước này trong năm ngoái giảm 71% so với năm 2019, xuống còn hơn 5 triệu lượt. Trước khi lệnh hạn chế được nới lỏng vào đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa, đẩy hàng nghìn lao động trong lĩnh vực nhà hàng, du lịch, khách sạn vào cảnh thất nghiệp.
Cho đến nay, các biện pháp hạn chế đi lại của Liên minh châu Âu (EU), Anh và Mỹ do biến thể Omicron đã "đóng cửa" ba thị trường du khách nước ngoài lớn nhất của Nam Phi. Wow Travel & Tours đã bắt đầu ghi nhận tình trạng hủy vé từ khi có thông tin về Omicron vào tháng 11, trong đó một lượng lớn du khách từ Brazil (Bra-xin), Mỹ và Đức thường bỏ tour vào phút chót khi biết chuyến bay bị hủy.
Theo Giám đốc điều hành Hội đồng Doanh nghiệp Lữ hành Nam Phi Tshifhiwa Tshivhengwa, một cuộc khảo sát các công ty lữ hành cho thấy tổn thất do hủy tour đã lên tới gần 1 tỷ rand (hơn 63 triệu USD). Con số này không bao gồm các hãng hàng không, nhà hàng và khách sạn. Ông Tshivhengwa cho biết con số này có thể lên tới 3 tỷ rand (191 triệu USD) nếu vào mùa lễ hội.
Trong khi đó, các công ty kinh doanh vụ khách sạn lớn như Tsogo Sun Hotels, City Lodge Hotel Group, Sun International và Radisson Hotel Group cũng ghi nhận tình trạng hủy đặt phòng từ khách nước ngoài. Tuy nhiên, Radisson Hotel Group khẳng định các khách sạn của công ty đang xem xét kế hoạch tuyển thêm nhân viên nhằm đáp ứng nhu cầu mùa lễ hội. Dựa vào lượng khách đặt phòng trong tháng 12/2021 và tháng 1/2022, họ tin rằng năm sau sẽ là thời điểm ngành du lịch bắt đầu phục hồi trở lại. Về phần mình, Tsogo Sun Hotels xác nhận khách hàng cũng đã hủy loạt sự kiện hội họp, thể thao và văn hóa tại khách sạn. Công ty này lo ngại việc duy trì các lệnh cấm đi lại sẽ khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa và nhiều người bị mất việc./.