Kiên Giang vượt khó, kinh tế đạt mức tăng trưởng dương

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội, song kinh tế của tỉnh Kiên Giang năm 2021 vẫn ổn định, là một trong 6 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long có mức tăng trưởng dương.

Theo ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, năm 2021 là năm hết sức đặc biệt. Đặc biệt ở bối cảnh và tình hình chung của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, với diễn biến nhanh trên phạm vi rộng, mức độ phức tạp, khó lường và gây tác động nghiêm trọng hơn năm 2020.

Lần đầu tiên trong toàn tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội với thời gian dài để tập trung phòng, chống dịch. Đồng thời trong tổ chức, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cùng lúc phải triển khai, điều phối lực lượng trên hai mặt trận đó là “phòng, chống dịch COVID-19” và “duy trì, phục hồi phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân”.

Khó khăn và nhiều thách thức nhất vẫn là “duy trì, phục hồi phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân”. Trong 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế của Kiên Giang phục hồi rất ấn tượng do nối tiếp đà tăng trưởng từ cuối năm 2020 và dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt; tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt 4,52%, vượt 1,52% so với dự kiến.

Thế nhưng, kể từ gần cuối tháng 6/2021, đợt dịch lần thứ 4 bùng phát mạnh làm đình trệ nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân, làm cho tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của quý III/2021 âm 6,58%, từ đó dẫn đến tăng trưởng GRDP 9 tháng năm 2021 âm 0,15%.

Ở thời điểm này, dù UBND tỉnh Kiên Giang đã chủ động, linh hoạt thực hiện các giải pháp, như thành lập ban chỉ đạo phục hồi kinh tế, ban hành quyết định tạm thời về các ngành nghề được phép hoạt động khi thực hiện các Chỉ thị 16, 15, 19 để tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh; thành lập các tổ hỗ trợ liên kết tiêu thụ; tổ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong sản xuất; tổ công tác đặc biệt về giải phóng mặt bằng...

Dù vậy, qua đánh giá tình hình 9 tháng và kịch bản tăng trưởng được xây dựng từ tháng 8/2021, thì đã có rất nhiều dự báo về khả năng tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Kiên Giang sẽ âm.

Trước tình hình đó, kể từ cuối tháng 9/2021, sau khi kiểm soát tốt dịch bệnh, cùng với triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP cùa Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện ngay việc cập nhật, điều chỉnh lại kịch bản tăng trưởng, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng ngành, địa phương; tranh thủ từng ngày, quyết liệt “tăng tốc" trong 3 tháng cuối năm với quyết tâm không để kinh tế tăng trưởng âm.

Bằng sự cố gắng, nổ lực vượt bậc của các cấp, các ngành trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo kịch bản đề ra; cùng sự hưởng ứng tích cực, không khí phấn khởi của nhân dân, người lao động và cộng đồng doanh nghiệp khi quay trở lại sản xuất, kinh doanh và tham gia các hoạt động kinh tế trong điều kiện bình thường mới.

Từ đó kinh tế tháng 10 và tháng 11 khởi sắc trở lại, tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước và gấp nhiều lần trước thời điểm dịch bệnh bùng phát. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, ước cả năm tăng trưởng kinh tế của Kiên Giang sẽ đạt 0,58%.

Như vậy, dù không đạt mức kế hoạch năm 2021 (tăng 6,01%), nhưng đã đạt được mục tiêu “tăng trưởng dương” theo kịch bản của UBND tỉnh đề ra; trong đó, cả 3 khu vực đều tăng trưởng dương, vượt hơn dự kiến kịch bản.

Với mức tăng trưởng 0,58%, Kiên Giang đứng thứ 2 trong Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long (sau An Giang tăng 0,95%). Trong 24 chỉ tiêu được Hội đồng nhân dân tỉnh giao, có 13/24 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (đạt 5, vượt 8), còn lại 11 chỉ tiêu không đạt.

310kiengiang-1639034709.jpg
Kiên Giang là một trong 6 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long có mức tăng trưởng dương.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành nhìn nhận, tuy đạt được tăng trưởng dương, nhưng do tác động nặng nề của dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế không đạt kết quả, mức tăng trước thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay.

Trong 11 chỉ tiêu không đạt kế hoạch thì có 8 chỉ tiêu thuộc lĩnh vực kinh tế. Tình hình sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, không ít doanh nghiệp phải dừng hoạt động, thậm chí giải thể, phá sản.

Bên cạnh đó, chi phí đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao, nguy cơ làm giảm hiệu quả sản xuất của nông dân; thu ngân sách giảm; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch đề ra.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) sụt giảm làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh và tính cạnh tranh của tỉnh. Các lĩnh vực sản xuất và đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, phát sinh một số vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, an toàn xã hội…

Để thực hiện hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong tình hình sẽ còn diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tỉnh Kiên Giang với tinh thần không lùi bước trước khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện và phấn đấu bắt nhịp tăng trưởng của cả nước.

Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, với kế hoạch đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt từ 6,02% trở lên, cùng 23 chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng khác, tỉnh sẽ thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI; ưu tiên cao nhất cho việc phòng, chống dịch COVID-19, trọng tâm là bảo đảm sức khỏe, an sinh xã hội cho người dân; nắm bắt cơ hội để phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trong phục hồi, phát triển kinh tế, phương châm chỉ đạo của Kiên Giang là lấy nông nghiệp làm nền tảng, chú trọng nuôi trồng thủy sản; phát triển dịch vụ du lịch để bứt phá; thúc đẩy công nghiệp - xây dựng nhằm góp phần đảm bảo tăng trưởng, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm./.