Kiểm soát, giám sát chất lượng môi trường trong nuôi trồng thủy sản

Những năm gần đây, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đạt được nhiều kết quả. Nhằm hạn chế những tác động tới môi trường trong phát triển kinh tế, UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường các giải pháp bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu nuôi trồng thủy sản bền vững.

Đến hết tháng 7, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh ước đạt 4.787 ha, tương đương với cùng kỳ năm trước. Số lồng nuôi cá trên sông hiện có 2.593 lồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2022 (tăng 184 lồng). Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 22.701 tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản lượng nuôi trồng là 22.093 tấn, tăng 1,5%; sản lượng thủy sản khai thác là 607 tấn, tăng 10%. Các địa phương có nhiều lồng cá như: huyện Gia Bình: 684 lồng cá trên sông Đuống; thị xã Quế Võ có 631 lồng; thị xã Thuận Thành 274 lồng…

Tại Chiến lược phát triển thủy sản của tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030, tầm nhìn đến 2045, ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu trong giai đoạn 2022-2025: Diện tích nuôi trồng, 4.800 ha; sản lượng thủy sản 42.000 tấn; tốc độ tăng trưởng 1,2%/ năm. Đến năm 2030, diện tích nuôi trồng sẽ bị thu hẹp nhường đất cho phát triển công nghiệp, đô thị hóa, chỉ còn 4.500 ha, sản lượng thủy sản khoảng 40.000 tấn, nhưng vẫn bảo đảm tốc độ tăng trưởng 1,2%/ năm, giá trị sản xuất đạt 300 triệu đồng/ ha mặt nước.

moi-trg-nuoi-tom-1691660027.jpg
Kiểm soát chất lượng môi trường vùng nuôi trồng thủy sản thông qua quan trắc môi trường định kỳ được ngành chức năng tỉnh triển khai.

Để sản xuất thủy sản trở thành ngành kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị liên quan đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản nhằm phát triển nuôi thủy sản thâm canh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo hướng hàng hóa; xây dựng hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường, dịch bệnh thủy sản giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030.

Cụ thể, Sở NN&PTNT Bắc Ninh chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan, các địa phương tổ chức quan trắc nguồn nước khu nuôi cá lồng trên sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình và tại các ao nuôi đại diện cho vùng nuôi tập trung. Trong đó, tiến hành quan trắc nguồn nước vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trong ao đất thuộc các huyện Yên Phong, Lương Tài, Gia Bình, Tiên Du và thị xã Quế Võ. Vùng nuôi cá lồng trên sông Thái Bình thuộc huyện Lương Tài, sông Đuống thuộc các huyện Gia Bình, thị xã Quế Võ, thị xã Thuận Thành và vùng sông Cầu thuộc huyện Yên Phong.

Tại vị trí nguồn nước khu nuôi cá lồng và tại các lồng đại diện trên sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình tiến hành quan trắc các thông số bao gồm nhiệt độ, pH, oxy hòa tan kim loại nặng, định lượng vi khuẩn, độ trong của nước… Tại vị trí ao nuôi đại diện cho các vùng nuôi có hoạt động nuôi trồng thủy sản, tiến hành quan trắc các thông số tương tự như nuôi cá lồng trên sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình ngoại trừ chỉ tiêu kim loại nặng (Cd, Hg và Pb). Các điểm quan trắc nuôi cá lồng sẽ tiến hành thu mẫu tại vị trí ngoài sông ở đầu nguồn nước và trong lồng nuôi, ao đất sẽ thu mẫu tại vị trí ngoài kênh, mương và ao nuôi đại diện tại các khu nuôi tập trung.

Kết quả quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản sẽ được Sở NN&PTNT Bắc Ninh cập nhật, xử lý và đưa ra các báo cáo, thông báo định kỳ hoặc đột xuất đến UBND các huyện, thị xã, thành phố, các địa phương có điểm quan trắc môi trường nhằm phổ biến rộng rãi, công khai đến người nuôi biết trong thời gian sớm nhất. Qua đó, giúp người nuôi chủ động áp dụng các biện pháp quản lý môi trường ao nuôi, hạn chế thấp nhất nguy cơ thiệt hại do ô nhiễm môi trường, dịch bệnh.

Đầu tháng 6 vừa qua, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản vừa hoàn thành quan trắc môi trường định kỳ tại 10 điểm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngành chức năng đã tiến hành quan trắc môi trường tại 5 khu nuôi cá lồng trên sông: đoạn sông Cầu tại xã Yên Trung, huyện Yên Phong; sông Đuống tại xã Đức Long, huyện Quế Võ; sông Thái Bình tại xã Trung Kênh, và xã Minh Tân, huyện Lương Tài; sông Đuống tại xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành và 5 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại thôn Chân Lạc, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong; thôn Phù Lang, xã Phù Lương, huyện Quế Võ; thôn Phú Thọ, xã Quảng Phú, huyện Lương Tài; thôn Đổng Lâm, xã Quỳnh Phú, huyện Gia Bình; thôn An Động, xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du.

Kết quả quan trắc cho thấy, các thông số nhiệt độ nước, pH, DO tại các điểm quan trắc trong đều nằm trong khoảng giá trị phù hợp với nuôi cá nước ngọt. Tuy nhiên, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đưa ra khuyến cáo, hiện đã bước vào cao điểm mùa nắng nóng, lượng mưa ít nên nguồn nước có hàm lượng oxy không cao, các hộ nuôi trồng cần chủ động biện pháp xử lý môi trường nước, bổ sung dinh dưỡng cho phù hợp để bảo toàn đàn vật nuôi.

cong-nghe-1691660108.jpg
Tỉnh Bắc Ninh khuyến khích các địa phương ứng dụng công nghệ sinh học, không sử dụng thuốc kháng sinh tại các vùng nuôi trồng thủy sản.

Trước những áp lực tới chất lượng môi trường, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tập trung kiểm soát, giám sát chất lượng môi trường trong quá trình phát triển kinh tế. Trong đó, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP với quy trình xây dựng khối lượng thức ăn cho phù hợp với từng giai đoạn, giảm tỷ lệ thất thoát, tránh việc thức ăn dư thừa làm ảnh hưởng đến môi trường nước. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao được địa phương này nhận định là sẽ góp phần giảm thiểu tác động tới chất lượng môi trường.

Toàn tỉnh hình thành 162 vùng nuôi cá trong ao đất tập trung quy mô từ 10ha trở lên với tổng diện tích là 2.757,6 ha; 153 cơ sở đăng ký và được cấp chứng nhận VietGap gắn truy xuất nguồn gốc; 20 vùng nuôi cá lồng trên song; hình thành 9 mô hình nuôi cá sông trong ao, nhiều mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ sinh học, không sử dụng thuốc kháng sinh, mô hình nuôi cá siêu thâm canh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay người nuôi trồng thủy sản trong tỉnh áp dụng phổ biến hai mô hình nuôi cá công nghệ cao là: Nuôi cá trong ao đất và nuôi cá lồng trên sông.

Trong đó, nhiều mô hình nuôi cá nước ngọt trong ao đất tại Bắc Ninh đã cho sản lượng lên tới 15 - 20 tấn/ha. Ưu điểm của những mô hình nuôi trồng thủy sản công nghệ cao là phân cá được thu gom về một góc và hút đi, đồng thời lượng ôxy được cung cấp đầy đủ liên tục nên cá lớn rất nhanh, khỏe mạnh, môi trường nước cũng vì thế hạn chế tối đa bị ô nhiễm môi trường nuôi. Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục rà soát, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng các vùng nuôi thủy sản tập trung trong ao đất; nuôi cá lồng trên sông theo hướng thâm canh, siêu thâm canh gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.